UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện quy định về quản lý và khai thác hồ Tây (thuộc địa bàn Q.Tây Hồ). Trong đó dự kiến có 12 danh mục kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động ở hồ Tây trong thời gian tới.
Cụ thể, thành phố dự kiến cho phép các hoạt động kinh doanh ở hồ Tây gồm có tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy; dịch vụ bơi thuyền; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn muốn phát triển ở hồ Tây dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Ở quy định lần này, UBND Q.Tây Hồ sẽ là đầu mối quản lý toàn diện hồ Tây, phối hợp với các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Do đó việc sử dụng không gian mặt hồ phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch và vui chơi giải trí phải được Q.Tây Hồ cấp phép.
Trong Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) được UBND thành phố phê duyệt, khu vực hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Q.Tây Hồ là đơn vị tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do Q.Tây Hồ quản lý.
Trước đó, năm 2015, TP.Hà Nội chỉ đạo Q.Tây Hồ rà soát, yêu cầu các đơn vị có phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng di chuyển khỏi khu vực hồ Tây.
Đến năm 2017, Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản ở hồ Tây.
Vào năm 2022, UBND Q.Tây Hồ đã có báo cáo về hiện trạng công tác quản lý hồ Tây và kiến nghị UBND TP.Hà Nội về việc giao cho địa phương này được trực tiếp, toàn diện quản lý và khai thác hồ.
Theo UBND Q.Tây Hồ, từ tháng 9.2016 cho đến nay, việc quản lý, khai thác hồ Tây được giao cho 6 sở: Xây dựng, GTVT, TN-MT, NN-PTNT, VH-TT-DL quản lý theo từng lĩnh vực và không có đầu mối thống nhất. Dù có sự tham gia của 6 sở cùng UBND Q.Tây Hồ nhưng một số lĩnh vực trên hồ Tây vẫn chưa rõ đơn vị quản lý, chưa rõ quy trình thực hiện.
UBND Q.Tây Hồ cho rằng, việc nhiều sở, ngành cùng quản lý hồ Tây không phát huy cao nhất tính sáng tạo, tính linh hoạt. Trong khi đó, ngoài giá trị là hồ điều hòa, hồ Tây còn có giá trị lớn về mặt cảnh quan và các giá trị tiềm năng khác. Để bảo tồn, phát huy các giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây, UBND Q.Tây Hồ đề xuất được quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ và vùng phụ cận theo địa giới hành chính.
Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất của Hà Nội, có diện tích gần 530 ha. Theo số liệu điều tra năm 2017, hồ có 18 loài cá, trong đó chủ yếu là cá rô phi.
Bình luận (0)