Nhiều bất cập khi 7 sở, địa phương cùng quản lý hồ Tây

26/01/2023 07:20 GMT+7

Công tác quản lý hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang gặp nhiều khó khăn, bất cập khi có nhiều đơn vị tham gia. UBND Q.Tây Hồ đề xuất được quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ và vùng phụ cận theo địa giới hành chính.

UBND Q.Tây Hồ đã có báo cáo về hiện trạng công tác quản lý hồ Tây và kiến nghị UBND TP.Hà Nội về việc giao cho địa phương này được trực tiếp, toàn diện quản lý và khai thác hồ.

Dù có sự tham gia của 6 sở cùng UBND Q.Tây Hồ nhưng một số lĩnh vực trên hồ Tây vẫn chưa rõ đơn vị quản lý, chưa rõ quy trình thực hiện

Nguyễn Trường

Theo UBND Q.Tây Hồ, từ tháng 9.2016 cho đến nay, việc quản lý, khai thác hồ Tây được giao cho 6 sở thuộc Hà Nội, gồm: Xây dựng, GTVT, TN-MT, NN-PTNT, VH-TT, Du lịch quản lý theo từng lĩnh vực chuyên ngành và không có đầu mối thống nhất quản lý.

Dù có sự tham gia của 6 sở cùng UBND Q.Tây Hồ nhưng một số lĩnh vực trên hồ Tây vẫn chưa rõ đơn vị quản lý, chưa rõ quy trình thực hiện.

Cụ thể, hoạt động của câu lạc bộ đua thuyền hồ Tây, các phương tiện đánh bắt cá, các hoạt động tự phát, như: bơi, chèo lướt ván, chèo thuyền kayak… chưa rõ đơn vị quản lý, quy trình thực hiện, dẫn đến việc quản lý và thực hiện tìm kiếm, cứu nạn gặp khó khăn.

Không rõ đơn vị được giao quản lý trực tiếp cũng khiến cho việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp đánh bắt cá trái phép gặp nhiều khó khăn.

Thông tin thêm về những khó khăn, bất cập, UBND Q.Tây Hồ cho biết, hiện quy trình thực hiện xin cấp phép xả thải; đấu nối cấp, thoát nước; lắp đặt trang trí điện chiếu sáng xung quanh hồ cần phải xin giấy phép, thỏa thuận của ít nhất 3 đơn vị (Sở Xây dựng Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và UBND Q.Tây Hồ). Tiếp đó, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện thủ tục bàn giao các hạng mục với ít nhất 3 đơn vị được giao quản lý, duy tu, duy trì khác.

Ngoài ra, để triển khai tổ chức các hoạt động VH-TT-DL khu vực hồ Tây (lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội hàng năm; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố Q.Tây Hồ hàng tuần…) cần có sự tham gia của 4 sở và chính quyền sở tại.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ Tây, bao gồm cả công tác duy trì vệ sinh mặt nước, chống lấn chiếm… do Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện nhưng việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm vệ sinh môi trường, tập kết vật liệu, trồng cây… lại do UBND các phường thuộc Q.Tây Hồ thực hiện.

UBND Q.Tây Hồ cho rằng, việc nhiều sở, ngành cùng quản lý hồ Tây trong suốt hơn 7 năm qua đã không phát huy cao nhất tính sáng tạo, tính linh hoạt. Trong khi đó, ngoài giá trị là hồ điều hòa, hồ Tây còn có giá trị lớn về mặt cảnh quan và các giá trị tiềm năng khác.

Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của hồ là việc cần thiết; đòi hỏi cần phát huy cao nhất tính sáng tạo, linh hoạt của đơn vị quản lý hồ.

"Tuy nhiên, việc có nhiều sở, ngành của thành phố tham gia quản lý theo chuyên ngành, không có đầu mối thống nhất quản lý khiến công tác nghiên cứu các giải pháp có tính sáng tạo, tổng thể nhằm khai thác hồ Tây chưa thực hiện được”, báo cáo nêu rõ.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây, UBND Q.Tây Hồ đề xuất được quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ và vùng phụ cận theo địa giới hành chính.

Các sở, ngành liên quan sẽ thực hiện chức năng quản lý theo chuyên ngành và quy định của thành phố; trong đó, UBND Q.Tây Hồ là đầu mối liên hệ các sở, ngành khi thực hiện các thủ tục hành chính chuyên ngành…

Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định về quy định quản lý hồ Tây, trong đó giao UBND Q.Tây Hồ làm đầu mối trong công tác khai thác, quản lý hồ này.

Hồ Tây được biết đến là hồ tự nhiên lớn nhất của Hà Nội, có diện tích gần 530 ha. Theo số liệu điều tra năm 2017, trên hồ có 18 loài cá, trong đó chủ yếu là cá rô phi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.