Nối tiếp truyền thống gia đình
Đi quanh khu phố cổ Hà Nội, không khó để nhận ra cửa hiệu "Mỹ nghệ Hồng Châu" nằm ở 83 Hàng Bạc còn giữ nghề chế tác bạc thủ công. Ông Nguyễn Chí Thành (75 tuổi) là nghệ nhân hiếm hoi còn duy trì nghề đúc bạc truyền thống. Ở cái tuổi đáng lý được nghỉ ngơi, nhưng ông Thành vẫn miệt mài ngày đêm bên chiếc bàn cũ, tạo ra các sản phẩm bằng vàng bạc đẹp không tì vết.
Ông Thành đã tiếp xúc với chạm bạc từ rất nhỏ, từ quan sát cha mẹ làm đến tò mò cầm lấy cây búa để làm theo. Cứ thế, từ những bỡ ngỡ ban đầu, ông dần làm quen với các thao tác tinh tế của nghề. Đến khi trưởng thành, ông học thêm những kỹ thuật cao hơn từ ông bà - những người đã đặt nền móng cho nghề kim hoàn trong gia đình.
"Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì lúc đó còn quá nhỏ, chưa thành thạo, nên các sản phẩm làm ra thường phải nhờ bố mẹ chỉnh sửa vài lần. Lớn lên, tay nghề của tôi dần cải thiện và đi lên", ông Thành nói.
Nghề chạm bạc không chỉ là công việc mà còn là cả một tình yêu với truyền thống gia đình. "Gia đình tôi bốn, năm đời làm nghề, cho nên khi học và làm nghề, tôi như được nối tiếp một phần của lịch sử," ông Thành tự hào chia sẻ. Đó cũng chính là lý do ông kiên trì giữ nghề, dù trong thời công nghiệp hóa, khi nhiều nơi sản xuất hàng loạt, đánh mất dần chất thủ công tinh tế.
Suốt quá trình học và làm nghề, điều khiến ông Thành nhớ nhất chính là niềm vui của khách hàng khi nhận được sản phẩm ưng ý. "Mỗi khi khách hài lòng với sản phẩm của tôi, đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Làm rất nhiều nên cũng không thể kể hết, nhưng cứ mỗi lần khách vui, mình lại thấy ấm lòng", ông tâm sự.
Giữ lối cũ để giữ chất nghề
Theo nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, để tạo ra được một sản phẩm bạc, cần có những kỹ năng khéo léo, tinh tế để chạm từng chi tiết nhỏ cho sản phẩm. "Một sản phẩm phải đẹp toàn diện, từng phần đều phải hợp lý", ông quan niệm.
Những kỹ thuật chạm bạc truyền thống mà ông Thành vẫn gìn giữ ngày nay là những tinh hoa đang dần mai một giữa thị trường hiện đại, nơi các mẫu mã công nghiệp và máy móc 3D lấn át. Ông cho rằng các sản phẩm thủ công đều có "hồn", mỗi chi tiết nhỏ đều có dấu ấn riêng và không cứng nhắc như hàng mỹ nghệ công nghiệp. "Nó cũng là hình ảnh bông hoa, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy hai bông có chút lệch nhau, không đối xứng, đó mới là cái đẹp tự nhiên", ông Thành nói về nét độc đáo của hàng thủ công.
Dù công nghệ và máy móc hỗ trợ ngày càng phát triển nhưng ông Thành vẫn giữ cách làm truyền thống. Ông lý giải: "Giữ lối cũ mới giữ được chất của nghề. Bây giờ người ta dùng 3D, chỉ cần đổ khuôn là có ngay chiếc nhẫn, còn thợ bạc thì phải tự tay làm từng chi tiết từ khối bạc nguyên bản. Đó mới là người thợ chân chính". Với ông, sự nhạy bén và tính tỉ mỉ trong từng công đoạn là điều không thể thay thế bằng máy móc.
Nghề chạm bạc không chỉ là kỹ năng mà còn là nghệ thuật, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. Để có được con mắt thẩm mỹ, theo ông Thành, người thợ cần phải không ngừng học hỏi và trau dồi, bất kể đã thành thạo đến đâu.
Cũng theo ông Thành, nghề này không thể học với những vật liệu rẻ, mà ngay từ đầu đã phải tiếp xúc với vàng, bạc - những chất liệu đòi hỏi sự cẩn trọng và tay nghề cao. Hơn nữa, nghề chạm bạc còn đòi hỏi ở người học tính thật thà và kiên trì. Nghề này là tài sản quý giá của gia đình ông Thành, không thể tùy tiện truyền dạy. "Nghề này liên quan đến vàng bạc, đến của cải, lại cần sự thật thà, cần cù và con mắt thẩm mỹ, nên không phải ai cũng phù hợp", ông phân tích. Vì thế, truyền nghề với ông không chỉ là trao tay nghề mà còn là trao lại những giá trị sống, sự cần mẫn và chính trực.
Ông Thành có 2 người con nhưng cũng chỉ có một người con theo nghề của gia đình. Giờ đây, khi tuổi đã cao, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành vẫn cần mẫn làm việc bên bàn bạc, cố gắng truyền lại cho con cháu những gì tinh túy nhất của nghề. Bởi lẽ, giữ nghề chạm bạc cũng như giữ một phần linh hồn của Hà Nội vậy.
Bình luận (0)