Vụ việc trên xảy ra tại Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng đã ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường. Sự việc xảy ra nhiều năm, nhưng đến nay mới phát hiện.
Bị đóng thiếu bảo hiểm từ nhiều năm
Theo Bảo hiểm xã hội TP.Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, Trường THPT Trần Phú vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường theo mức lương cũ, mà không đóng theo sự điều chỉnh lương tăng theo ngạch bậc của giáo viên. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, bởi nếu về hưu, thì mức lương hưu của người lao động sẽ thấp hơn nhiều lần so với mức tính đúng với thực tế. Và nếu xảy ra tình trạng thất nghiệp, thì người lao động cũng sẽ được hưởng mức trợ cấp rất thấp, vì mức nhận sẽ tính theo bình quân 6 tháng thực làm trước khi nghỉ hưu.
tin liên quan
Vận động 100 triệu đồng mua hòn đá nhân kỷ niệm thành lập trườngTrong văn bản liệt kê các đồ dùng, trang thiết bị cần mua cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Hoài Đức A, huyện Hoài Đức, Hà Nội có hòn đá tảng trị giá 100 triệu đồng.
Theo thầy Cao Trung Kiên, giáo viên của trường thì chính thầy cũng không biết mình có nằm trong danh sách đóng thiếu bảo hiểm xã hội hay không. “Sổ bảo hiểm tôi vẫn chưa nhận nên cũng chưa biết đúng sai như thế nào. Nếu như mình ở trong trường hợp đó thì mình cũng mong muốn nhà trường, Sở GD-ĐT và Bảo hiểm xã hội làm thế nào để giải quyết cho những người còn lại cho đúng với công sức người lao động bỏ ra. Gặp trường hợp đi làm bao nhiêu năm mà đóng có 1 hệ số thì câu hỏi đặt ra là bảo hiểm xã hội có cho đóng lại hay không và số tiền nào để đóng vào đó.
Dùng quỹ phúc lợi của trường để xử lý
Trao đổi về vấn đề này, thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho hay mình cũng là nạn nhân của vụ việc này, vì sự việc đã xảy ra qua nhiều đời hiệu trưởng, nên chính bản thân ông cũng không biết hiện nợ của giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường với bảo hiểm xã hội là bao nhiêu. Và để giải quyết tình thế, nhà trường đã tìm cách giải quyết cho 94 trường hợp trong số 154 giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường. Số còn lại là 60 giáo viên, trước mắt sẽ sử dụng quỹ phúc lợi, tiết kiệm chi tiêu của trường để thanh toán cho những giáo viên bị đóng thiếu.
“Giờ phải có tiền trả cho bảo hiểm xã hội vì nợ trước đây nhiều, âm nhiều. Giải pháp hiện là lấy quỹ phúc lợi cuối năm và những khoản tiết kiệm của nhà trường để giải quyết 60 người này. Nhưng mà coi số tiền chưa hoàn thành đóng bảo hiểm là bao nhiêu nếu như nó nhỏ hơn thì hoàn thành trong năm, còn nếu như lớn hơn thì giải quyết tiếp trong các năm tới cho ổn”, thầy Hùng cho hay.
tin liên quan
Ngồi lớp 6, học lớp 1: 'Giáo viên đừng lôi thôi, hiệu trưởng đừng báo cáo láo nữa'Câu chuyện một học sinh (HS) ở Sóc Trăng mặc dù đã học đến lớp 6 nhưng nhà trường buộc phải trả lại học từ lớp 1 vì chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thông, đang khiến dư luận quan tâm.
Một số giáo viên cho rằng việc lấy tiền phúc lợi của trường để đóng bảo hiểm xã hội đã thiếu không được hợp lý, dù Hội đồng sư phạm nhà trường đã thông qua vấn đề này. Việc sử dụng quỹ phúc lợi và tiền tiết kiệm chi tiêu để giải quyết nợ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Phú thực ra chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề cần làm rõ việc nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều năm nay nhưng mãi gần đây mới bị phát hiện, trách nhiệm thuộc về ai? Và số tiền đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên cũng được chi từ ngân sách. Vậy số tiền bây giờ đang ở đâu?
Trước sự việc này, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã yêu cầu nhà trường làm rõ vấn đề và báo cáo với Sở sớm. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng cho rằng, hiện việc đầu tiên là phải giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, công nhân viên nhà trường trong chế độ bảo hiểm xã hội, và sẽ làm rõ và kiểm điểm những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc này và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Bình luận (0)