60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bác bảo: 'Phải đánh cho thắng!'

04/05/2014 03:20 GMT+7

Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên cán bộ tham mưu tác chiến tại Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, chia sẻ với Thanh Niên hồi ức của ông về sự kiện “chấn động địa cầu” 60 năm trước.

>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Đại tướng và nhà văn

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ông Đặng Quân Thụy (phải) báo cáo tình hình tác chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ông Đặng Quân Thụy (phải) báo cáo tình hình tác chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ - Ảnh: tư liệu

Thưa trung tướng, ông có thể nói đôi nét tư tưởng chỉ đạo cùng ý chí sắt đá của Đảng và Bác Hồ khi chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ - giai đoạn từ đầu 1953 đến trước khi nổ súng ngày 13.3.1954 ?

Tháng 10.1953, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954. Khi kết thúc hội nghị, Bác nói: Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc bộ. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp.

Tháng giêng năm 1954, sau khi Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo kế hoạch cụ thể này với Bác Hồ thì Người đã nói: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng!"

Ngày 19.4.1954, Bộ Chính trị ra nghị quyết "Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ". 2 ngày sau, Bộ Chính trị đã có thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội, đồng ý với nhận định của Đại tướng về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng.

Có thể nói đó là những chỉ đạo rất sáng suốt về mặt chiến lược để chúng ta đã giành thắng lợi mà giảm thiểu tới mức thấp nhất sự tổn thất về mặt lực lượng?

Đúng vậy, đó là nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, Bác Hồ, Bộ Chính trị cùng với tài cầm quân đặc biệt xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong ý kiến khi nghiên cứu kế hoạch Navarre. Người nói rằng "địch mà muốn chủ động thì ta phải buộc chúng lâm vào thế bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh".

Khi kết thúc hội nghị Bộ Chính trị tháng 10.1953 bàn về kế hoạch Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, Bác Hồ có dặn dò Tổng Quân ủy trong quá trình tác chiến, "phép dùng binh phải thiên biến vạn hóa". Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Bác lúc đó, Tổng Quân ủy đã chủ động báo cáo Bác cùng Bộ Chính trị một kế hoạch tấn công trên 5 hướng: Tây Bắc; Trung Lào; Hạ Lào; Tây nguyên; đồng bằng Bắc bộ cùng Nam bộ.

Bản thân tôi khi đó đang làm phái viên tác chiến của Bộ Chỉ huy Chiến dịch tại Đại đoàn 308 thì bất ngờ nhận lệnh sang Lào. Tôi nhận thức mệnh lệnh điều Đại đoàn 308 đánh sang Lào là một quyết định rất đúng đắn của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vì Đại đoàn 308 là đại đoàn mạnh của ta. Địch theo dõi rất chặt chẽ động thái này của chúng ta nên đã có lúc phán đoán sai lầm là ta không có ý định tấn công Điện Biên Phủ nữa. Kết quả là địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược đối phó trên nhiều hướng. 

Đến ngày 13.3.1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công Điện Biên Phủ, thực hiện đúng tư tưởng của Bác Hồ là phân tán địch ra mà đánh, đồng thời tập trung lực lượng chủ lực mạnh quyết chiến với địch ở chiến trường trọng điểm là Điện Biên Phủ để giành thắng lợi quyết định.

Trung tướng có thể kể lại một vài kỷ niệm đáng nhớ trong thời kỳ ông là phái viên tác chiến tại Sở Chỉ huy chiến dịch ?

Có lẽ xin được nhắc tới 2 kỷ niệm. Một là vào cái ngày cuối cùng của chiến dịch, đến sáng 7.5 chúng ta đã chiếm được Đồi A1, Đồi C, Đồi D. Ở phía đông Điện Biên, ta đã hoàn toàn làm chủ những dãy đồi cao và một số vị trí phía đông sông Nậm Rốm. Còn ở phía tây, các đơn vị của Đại đoàn 308 cũng chiếm được những vị trí gần Sở chỉ huy địch. Vòng vây đang dần siết chặt. Kế hoạch đặt ra là đến đêm sẽ tiến hành tổng công kích. Nhưng chỉ mới 15 giờ chiều, nhận thấy tình hình thuận lợi, Đại tướng ra lệnh: không phải chờ tới đêm nữa mà tổng công kích ngay.

Chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng, ở tất cả các hướng, các đơn vị đều đồng loạt tấn công. Lực lượng pháo binh cũng tích cực chi viện cho các mũi. Đến khoảng 17 giờ, khi tôi đang tham gia trực ban Chỉ huy Sở thì các đài quan sát thay nhau báo cáo về là tại các trận địa của quân Pháp thấy xuất hiện rất nhiều cờ trắng.

Cờ trắng? Có chính xác không? Hướng nào?...

Câu hỏi cứ liên tục dội về và hỏi đi hỏi lại như một giấc mơ! Thật là sung sướng khó tả vì niềm vui chiến thắng. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn báo cáo với Đại tướng rằng De Castries đang ở trước mặt mình. Song Đại tướng vẫn ra lệnh kiểm tra lại bằng cách chỉ thị cho đồng chí Cao Pha, Phó trưởng ban Quân báo chiến dịch lấy ngay ảnh tư liệu rồi xuống đơn vị để đối chiếu. Sau khi đối chiếu giữa người và ảnh, đồng chí Cao Pha điện về cho Đại tướng: Báo cáo chính xác 100%! Lúc đó, mọi người vỡ òa trong niềm vui và ngất ngây chiến thắng sau "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non..." như nhà thơ Tố Hữu đã viết .

Kỷ niệm thứ hai là ngay khi địch đầu hàng, tôi được lệnh đi kiểm tra lại tình hình tác chiến ở những vị trí quan trọng. Sau đó, tôi có một vinh hạnh là được trực tiếp báo cáo với Đại tướng khi đưa ông đi quan sát toàn bộ trận địa Đồi A1, sau lại đưa Đại tướng tới Sở chỉ huy của De Castries, rồi đi dọc sân bay để nghiên cứu hệ thống phòng thủ của địch bảo vệ sân bay.

"Nguyên là một cán bộ tham mưu tác chiến tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, bài viết của anh (Đặng Quân Thuỵ -NV) có sức thuyết phục hơn một tác giả bình thường và bài viết lại đi vào một khía cạnh quan trọng là tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ với chiến dịch thì bài học rút ra lại càng có ý nghĩa...".

(Nhận xét của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi đọc bản thảo hồi ký của trung tướng Đặng Quân Thụy)

Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng (khóa 7), từng giữ các chức vụ: Tư lệnh (đầu tiên) kiêm Bí thư Đảng ủy Binh chủng Hóa học, Tư lệnh Quân khu 2, Phó chủ tịch Quốc hội (khóa 9), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN.

Quốc Phong
(ghi theo lời kể kết hợp với bản thảo cuốn hồi ký chưa xuất bản của Trung tướng Đặng Quân Thụy)

>> Triển lãm ảnh tư liệu ‘Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng’
>> Triển lãm ảnh 'Từ chiến dịch Bắc Tây nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Điện Biên Phủ trong mắt nhiếp ảnh gia người Pháp
>> Điện Biên Phủ - Quyết chiến, quyết thắng
>> Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.