Vào ngày 25.3, Liên minh châu Âu kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome, bước đầu tiên hướng đến một châu Âu thống nhất. Kể từ khi các Cộng đồng châu Âu ra đời vào năm 1957, công dân các nước thành viên của chúng tôi đã được hưởng sáu thập niên hoà bình, thịnh vượng và an ninh chưa từng có trong tiền lệ.
Sự tương phản so với nửa đầu của thế kỷ 20 không thể rõ ràng hơn. Hai cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu từ năm 1914 tới 1945 đã khiến hàng triệu người thiệt mạng và để lại một lục địa bị tàn phá, chia rẽ và kiệt quệ. Đối với các nước trải qua chiến tranh kéo dài thì hội nhập châu Âu là một dự án hòa bình thành công nhất trong lịch sử của chúng tôi.
Tuy nhiên, chúng tôi đang sống trong thời đại bất ổn, và kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome là cơ hội không chỉ để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với các giá trị và mục tiêu của dự án châu Âu mà còn là thực hiện những bước đi thực dụng và đầy tham vọng.
|
Lễ kỷ niệm 60 năm Liên minh châu Âu cũng là dịp để chúng tôi đánh dấu mối quan hệ của mình với các nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Quan hệ song phương của chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Liên minh châu Âu đóng góp lớn trong thành công của quá trình cải cách của Việt Nam. Chúng tôi cam kết phát triển một mối quan hệ được nâng cấp, rộng lớn hơn và đa dạng hơn với Việt Nam, một đối tác sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm ngày càng tăng trên trường quốc tế, một thành viên trung tâm của ASEAN và một nền kinh tế đặc biệt năng động.
Việc có hiệu lực từ năm trước của Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện giữa EU và Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi hợp tác EU-Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và công nghệ, quản trị công tốt; cũng như là du lịch, văn hoá, di cư, chống khủng bố và chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, dự kiến sẽ sớm được ký kết, sẽ là xung lượng tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư trong những năm tới.
Số lượng sinh viên Việt Nam học tập ở châu Âu cao phản ánh sự giao lưu nhân dân mạnh mẽ trong mối quan hệ song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Hiện nay, trong tổng số 62.843 sinh viên Việt Nam theo học ở nước ngoài, châu Âu là nơi đón nhận lớn thứ hai về số sinh viên Việt Nam với hơn 1/3 - hay hơn 15.000 sinh viên - đang theo học tại Châu Âu.
|
Thế giới đang trải qua một thời kỳ bất định: cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch và các nền tảng của một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thường xuyên bị đặt dấu hỏi. Liên minh châu Âu sẽ là một sức mạnh ngày càng quan trọng để duy trì và tăng cường trật tự toàn cầu.
EU hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Chúng tôi là thị trường toàn cầu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở hầu hết các nơi trên thế giới. EU đã đạt được một vị thế lớn mạnh bằng cách hành động cùng nhau với một tiếng nói chung trên trường quốc tế, cũng như đạt được các thỏa thuận thương mại song phương với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới.
Chúng tôi đầu tư vào hợp tác phát triển và viện trợ nhân đạo nhiều hơn so với toàn bộ phần còn lại trên thế giới gộp lại. Viện trợ phát triển của EU được cung cấp đến khoảng 150 quốc gia trên thế giới và ngày càng tập trung vào những nơi nghèo nhất. Trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2020, khoảng 75% hỗ trợ của EU sẽ dành cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai hoặc xung đột, điều làm cho người dân những nước này đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp tục gây sốc nặng nề trên toàn cầu, và năm 2016, EU đã ứng cứu cho hơn 120 triệu người ở hơn 80 quốc gia với hơn 1,5 tỉ euro dành cho thực phẩm, nơi trú ẩn, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ. Kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011, EU là nhà tài trợ lớn nhất cho viện trợ nhân đạo để chăm sóc cho hàng triệu người bao gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em bị di dời do xung đột.
|
Chúng tôi ủng hộ việc có các luật lệ toàn cầu tốt hơn, các luật lệ bảo vệ người dân chống lại sự lạm dụng, mở rộng quyền và nâng cao các tiêu chuẩn. Nhờ sự tham gia của chúng tôi - Liên minh cùng các nước thành viên - cộng đồng toàn cầu đã xây dựng được các thoả thuận mang tính sáng tạo như các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và Chương trình Hành động Addis Ababa về Tài trợ cho Phát triển. Trong một thế giới có sự tái xuất hiện của chính trị quyền lực, Liên minh châu Âu sẽ có một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn.
Một môi trường quốc tế mỏng manh hơn đòi hỏi phải có sự tham gia nhiều hơn, chứ không phải là ít hơn. Đây là lý do tại sao Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Liên Hiệp Quốc: sự hợp tác của chúng tôi với LHQ bao gồm các phái bộ hòa bình, các nỗ lực ngoại giao, nhân quyền, giải quyết nạn đói và chống tội phạm.
Dù tương lai có thế nào đi chăng nữa, thì một điều chắc chắn là: EU sẽ tiếp tục coi thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế, hợp tác phát triển, nhân quyền và ứng phó với khủng hoảng nhân đạo là trọng tâm của các chính sách đối ngoại và an ninh của mình.
Bình luận (0)