Gần 60 năm nay, ông Lê Lập Đức (81 tuổi) sống biệt lập như “người rừng” trong ngôi nhà xập xệ, nằm giữa một “ốc đảo” trên cánh đồng của xã Hưng Lợi (H.Hưng Nguyên, Nghệ An).
Ông Đức sống trong căn nhà tạm bợ, biệt lập giữa cánh đồng, đã 60 năm - Ảnh: K.Hoan
|
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà của người đàn ông này bốn bề ngập nước. “Dị nhân” Lê Lập Đức đang nằm còng queo trên giường trong căn nhà xiêu vẹo, không điện thoại, không ti vi, không đài, không điện đóm, không có sự hiện diện của bất cứ vật dụng nào mang “hơi thở” của cuộc sống hiện đại.
Trời đang buổi ban trưa, một phụ nữ vừa cầm quạt giấy quạt phần phật, cố “đuổi” cái nóng như thiêu như đốt, vừa nói với khách: “Tui là Trương Thị Quy, vợ ông Đức. Ông ấy năm ni đã 81 tuổi rồi. 4 năm trước, ông nhà tui bị ngã, bàn tay phải bị co rút lại thành tật, trí nhớ cũng giảm rõ rệt, đôi khi trở nên nghễnh ngãng và bây giờ đi lại khó khăn lắm!”.
Ông Đức ngồi trên giường nói câu được câu mất. Có những chuyện ông nhớ rõ, nhưng nhiều chuyện về cuộc đời, ông phải nhờ bà Quy đỡ lời. Bà Quy kể, quê bà ở xã Hưng Thịnh (H.Hưng Nguyên, Nghệ An), về làm vợ ông Đức và sống cùng ông ở nơi hoang địa này đã hơn 20 năm nay. Nguyên cớ khiến bà “phiêu dạt” ra đây, là do…duyên số.
“Ngoài 30 tuổi, tui được người ta mai mối đến với ông ấy. Khi đó, ông Đức sống một mình ở lùm tre ni, trong cái nhà nhỏ như cái lều. Tui đến, nhìn thấy mà phát hãi. Nhưng rồi khi nói chuyện, nghe ông ấy kể về cuộc sống lẻ loi, cô quạnh ở chốn hoang vu ni, nên tui thương, rồi tui đồng ý về làm vợ ông”, bà Quy chia sẻ.
Cuộc sống… 4 không
Sau khi về ở với ông Đức, bà Quy nghe ông kể nhiều chuyện về quá khứ rất đáng thương của ông. Bố ông Đức là địa chủ ở xã Hưng Thủy (nay là P.Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An) có rất nhiều ruộng. Năm 1956, trong cải cách ruộng đất, bố ông bị mang ra đấu tố rồi chết, nhà bị tịch thu hết ruộng nương, của cải. Các con của ông chạy tứ xứ. Ông Đức và người chị gái lớn hơn ông 12 tuổi chạy ra cánh đồng, tìm mô đất dựng chòi để ở và khai hoang để sinh sống.
Lúc đó, khu đất này còn rất hoang vu, cách xóm làng khá xa. Ông Đức trồng tre quanh mô đất để làm thành lũy bao bọc, che chở cho nơi cư ngụ của hai chị em.
Cuộc sống của họ cứ lầm lũi trong khóm tre nơi hoang địa, không hàng xóm, không điện - nước, không hộ khẩu và gần như không giao du với thế giới bên ngoài. Đến khoảng năm 1990 thì người chị mất, ông Đức lúc đó đã gần 60 tuổi, sống đơn độc cho đến khi lấy bà Quy làm vợ.
4 năm sau khi nên duyên, vợ chồng bà có con. Sau sinh nở, không thể nuôi con trong cảnh hoang dã, bà bồng con về quê. Khi con gái gần 5 tuổi, bà mới đưa con quay về tiếp tục sống với chồng trong cái lều nằm giữa những gốc tre già này. Sau đó, cô con gái cũng được gửi về Hưng Thịnh quê bà để đi học. “Giờ con gái đã nghỉ học, mấy năm nay đang đi làm ở trên TP.Vinh, lâu lâu mới về thăm vợ chồng tui”, bà Quy cho biết.
Không hộ khẩu, hàng chục năm nay, gia đình bà Quy không thuộc địa phương nào quản lý. Cuộc sống của đôi vợ chồng “người rừng” này, theo bà Quy, bao năm qua, chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng khai hoang và hoàn toàn không có nước sinh hoạt. Họ phải đến xin ở đền Hoàng Mười cách đó chừng nửa cây số.
Bà Quy nói, nhà nuôi được ít gà, vịt nhưng ban đêm, toàn bị mấy thằng nghiện ma túy đến bắt trộm.
“Chúng nó lì lợm đến mức xông vào tận nơi để bắt gà vịt ngay trước mặt chúng tôi. Ở chốn hoang vu không hàng xóm này, không thể nhờ cậy ai bảo vệ mình nên vợ chồng tui đành ngồi bó gối nhìn chúng lộng hành”, bà Quy bức xúc. Đặc biệt, ở đây, hễ có lũ là nước ngập băng đồng. Đợt lũ nào nước cũng dồn lên tận nền nhà, có năm nước ngập giường, vợ chồng bà phải leo lên chiếc thuyền đã đóng sẵn để tránh lũ.
“Bao năm qua, thấy nơi này quá bất tiện và cô độc, tui nhiều lần khuyên chồng về quê, dựng nhà hoặc tìm một nơi khác để sống, nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nói, bà đi thì cứ đi, tui chỉ thích sống ở đây”, bà Quy kể.
Theo bà Quy, cả đời, ông Đức chỉ quanh quẩn trong lùm tre này và ngoài cánh đồng. Khi có việc thực sự quan trọng, ông Đức mới ra nơi đông người.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Kiện, Trưởng Công an xã Hưng Lợi cho biết, thấy vợ chồng Đức sống ở nơi cô quạnh ngoài đồng, ông đã nhiều lần đến thăm, thuyết phục họ rời hoang địa này để chuyển về xã Hưng Lợi sinh sống, nhưng bất thành. Do vợ chồng ông Đức sống không hộ khẩu, không chứng minh thư nên họ đều không được hưởng các quyền lợi liên quan.
“Có thể do ông ấy sống xa lánh cộng đồng đã quá lâu nên sinh ra mặc cảm và không còn muốn tiếp xúc với người khác”, ông Kiện lý giải.
Bình luận (0)