Báo cáo của Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch phía Nam hôm nay (16.2) cho biết: Trong năm 2016, hệ thống giám sát Zika tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 41 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika.
Các trường hợp này đều được tư vấn và theo dõi thai kỳ cũng như đánh giá, theo dõi sức khỏe của em bé sau khi sinh.
Trong đó, có 10 trường hợp thai phụ bị nhiễm Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Sáu trường hợp trong số đó (60%) bỏ thai hoặc thai lưu.
Hiện đã có 9 em bé được sinh ra sau khi mẹ nhiễm Zika. Các em bé sau khi sinh đều khỏe mạnh, chưa phát hiện bất thường. Còn 26 trường hợp thai phụ nhiễm Zika đang được theo dõi thai kỳ, kiểm tra sức khỏe.
tin liên quan
Thả muỗi ngăn ngừa sốt xuất huyết và Zika tại Nha TrangViệc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được thực hiện từ tháng 3.2017 tại Nha Trang, nhằm làm giảm số lượng muỗi tự nhiên truyền bệnh, và phòng bệnh sốt xuất huyết, Zika.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 232 người mắc bệnh Zika (năm 2016 có 219 ca bệnh; năm 2017 đến nay đã ghi nhận 13 ca).
Có một em bé dị tật đầu nhỏ tại Đắk Lắk nghi ngờ liên quan đến vi rút Zika.
Ông Lân dự báo, trong năm nay, nước ta sẽ gia tăng bệnh do vi rút Zika tại tất cả các tỉnh khu vực phía Nam. Đây là khu vực thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn, ổ bọ gậy nguồn đa dạng, phong phú. Vì vậy, để phòng bệnh đòi hỏi có kế hoạch giám sát, ứng phó và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ đầu.
Ông Phu cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, năm 2017, ngành Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên tại cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng. Triển khai giám sát trọng điểm bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, Zika…
Biểu hiện để nhận biết Zika
- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
|
tin liên quan
Tiêm bổ sung miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6-15 tuổiChương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia sẽ tiêm bổ sung (miễn phí) vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6-15 tuổi tại những vùng nguy cơ cao, trong năm 2017 - 2018.
Bình luận