Ngành cà phê có tính chất toàn cầu, giá trị hàng trăm tỉ USD, lượng người tiêu dùng khoảng 2,5 tỉ người, có sự ảnh hưởng và liên thông đến mọi mặt và lĩnh vực… nên cần phải tư duy, thiết kế, và vận hành lại.
Trên cơ sở đó, chúng tôi xin đề xuất 7 sáng kiến sau, chung cho ngành cà phê toàn cầu:
Đầu tiên: Tư duy lại khái niệm về cà phê. Mọi sự đổi mới và chuyển đổi đều phải xuất phát từ tư tưởng và lý luận. Ta cần quan niệm cà phê không chỉ là thức uống phổ biến nhất thế giới mà còn là di sản của nhân loại, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Đây sẽ là nền tảng lý luận để kiến tạo ngành cà phê như một hình mẫu tiên phong của sự hài hòa và phát triển bền vững.
Thứ 2: Tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu. Khái niệm trên sẽ là cơ sở lý luận để tập hợp, kết nối và phát triển một cộng đồng cà phê toàn cầu: một cộng đồng không phân biệt về ý thức hệ chính trị, tôn giáo, quốc gia, sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ… Thậm chí, đây sẽ là cộng đồng của những người sử dụng cà phê như năng lượng cho sáng tạo có trách nhiệm, để tạo ra thành công bền vững và hạnh phúc đích thực cho bản thân và cộng đồng.
Thứ 3: Đa dạng hóa về các phong cách, thói quen, chuẩn mực và văn hóa thưởng thức cà phê. Sự đa dạng hóa văn hóa thưởng thức cà phê với việc bảo tồn và phát triển một cách đa dạng các hình thức thưởng thức sẽ tạo ra một tổng cầu về cà phê đa dạng và bền vững, sẽ hạn chế nạn đầu cơ cũng như sẽ chống lại sự đơn cực hóa về mặt văn hóa cà phê. Điều này cũng phải được ý thức quan trọng như bảo tồn sự da dạng về sinh học cho địa cầu.
Thứ 4: Tuần hoàn hóa một cách tổng thể và tích hợp chuỗi sản xuất cà phê. Đó là việc hình thành một chuỗi sản xuất cà phê khép kín, được tổ chức theo vòng tròn, không tạo ra chất thải có hại cho môi trường, tối ưu hóa nguồn lực sản xuất trên từng công đoạn. Đồng thời cũng là việc liên tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm có thể chế biến từ cà phê nhờ tiến bộ của công nghệ sinh học.
Thứ 5: Công bằng hóa quá trình trao đổi và phân phối giá trị có được từ ngành cà phê. Sáng kiến này bao gồm hai nhiệm vụ cốt lõi: một là, liên kết các quốc gia, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, và người dân tại các nước trồng cà phê để thúc đẩy một cách nhanh chóng, bền vững, và hiệu quả chương trình thương mại công bằng. Hai là, tiến bước nữa, cần tạo ra các định chế tài chính có tính đại chúng hóa, cho phép những nông dân trở thành chủ sở hữu và có tiếng nói chính đáng.
Thứ 6: Góp phần chủ động hình thành chế độ bản vị nông sản cho hệ thống tiền tệ toàn cầu. Đây là một sáng kiến táo bạo nhưng không hề viển vông và cần thiết để mang tới sự ổn định cho toàn ngành. Là hàng hóa cơ bản, có giá trị trao đổi đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau dầu thô, cà phê cần chủ động đón nhận sứ mạng tạo ra một bản vị tiền tệ toàn cầu mới bền vững hơn, cơ bản hơn, góp phần quan trọng vào an ninh tài chính - kinh tế, an ninh lương thực và môi trường toàn cầu.
Sau chót: Cùng tạo dựng những địa bàn hình mẫu cho ngành cà phê. 6 sáng kiến trước sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn cho ngành cà phê toàn cầu thúc đẩy sự dịch chuyển sang mô hình phát triển bền vững hơn. Do vậy, rất cần một địa bàn tiên phong là các thánh địa hay thiên đường cà phê, tích hợp đầy đủ và sâu sắc tính các sáng kiến nêu trên. Trung Nguyên là tập đoàn cà phê số 1 tại Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới - sẽ tiên phong thực hiện các mô hình mẫu này.
Bảy sáng kiến trên có mục đích tạo ra sự hợp lực chung và sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành cà phê toàn cầu để đi vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà ngành cà phê đóng vai trò là năng lượng, động lực, hình mẫu cho sự phát triển bền vững.
Bình Nguyên
>> Nguyên tắc 1: Công bằng hóa chuỗi giá trị gia tăng cà phê toàn cầu
>> Nguyên tắc 2: Phát triển bền vững vùng nguyên liệu cà phê số 1 của thế giới
>> Nguyên tắc 3: Thống nhất thực thi định chuẩn cà phê tiêu thụ - xuất khẩu
>> Một “quyền lực” trung tâm chi phối ngành cà phê toàn cầu
>> Thị trường cà phê đang nóng lên
>> “Bẫy” tự do hóa thương mại toàn cầu chi phối ngành cà phê
>> Cà phê chống cảm cúm
>> Alô! Cà phê, có liền...
Bình luận (0)