7 tháng, 109 người chết và mất tích vì thiên tai

27/07/2018 04:54 GMT+7

Bắc bộ mưa lớn, thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa xả lũ Ngày 26.7, Hội nghị phòng chống thiên tai tại khu vực miền Nam và giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức diễn ra tại TP.Cần Thơ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết nửa năm 2018 đã có 3 cơn bão đổ bộ, 4 áp thấp nhiệt đới, hàng trăm trận giông lốc, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển làm chết và mất tích 109 người, gần 20.000 căn nhà bị sập, hư hỏng, phải di dời, gần 90.819 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; tổng thiệt hại là 2.500 tỉ đồng trên cả nước.
Dự báo từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp lên đất liền. Khoảng thời gian nguy hiểm nhất là các tháng cuối năm, tại khu vực Nam bộ, đặc biệt là ĐBSCL.
Tính trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Riêng ĐBSCL hiện có 562 điểm/786 km sạt lở, trong đó bờ sông có 513 điểm/520 km, bờ biển có 49 điểm/266 km.
Để hạn chế sạt lở, theo Thứ trưởng NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, cần phải có giải pháp chỉnh trị dòng chảy một cách tổng thể, tổ chức lại dân cư, không nên cho dựng nhà mới ven sông. Những chỗ không thể di dời thì mới tính đến giải pháp bảo vệ kiên cố. Đặc biệt khu vực sạt lở bờ biển cần nhìn trên bình diện tổng thể xem chỗ nào có khả năng phục hồi rừng, chỗ nào không, phải tìm cách hạn chế tối đa xâm thực... Cùng với đó là tính đến các giải pháp công nghệ làm sao vừa hiệu quả nhưng không quá tốn kém.
Lũ quét tại xã Nậm Có, H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

* Ngày 26.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông báo do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, tính đến 13 giờ cùng ngày, các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như Sìn Hồ (Lai Châu) mưa 85 mm, Bắc Quang (Hà Giang) mưa 132 mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 73 mm và Hưng Yên 77 mm. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, trong ngày 27.7, ở Bắc bộ và các tỉnh bắc Trung bộ sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông, riêng các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, khu vực đồng bằng và ven biển có mưa to, có nơi mưa rất to; trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh. Mưa lớn khiến các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Trong ngày 26.7, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai có công điện khẩn gửi Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết lúc 17 giờ chiều 26.7, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 105,30 m, lưu lượng nước đến hồ là 3.980 m3/giây, tổng lưu lượng nước xả là 3.980 m3/giây, gồm lưu lượng nước qua một cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện. Để ứng phó với đợt mưa lớn những ngày tới, Ban chỉ đạo lệnh cho Công ty thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả đáy vào lúc 9 giờ ngày 27.7 và liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy.
Cùng ngày 26.7, thông tin từ UBND TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này đã di dời khẩn cấp 20 hộ tại P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả trước nguy cơ đá lở. Khoảng 5 giờ cùng ngày, nhà bà Lê Thị Mận (tổ 4, khu 1A, P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả) bất ngờ bị 2 tảng đá từ trên núi rơi trúng. Trong đó, một tảng làm đổ tường, tảng còn lại nặng khoảng 10 tấn làm sập mái nhà và đè lên con trai bà Mận đang ngủ trong nhà là anh Vũ Văn Cảnh (27 tuổi). Sau đó, lực lượng chức năng ứng cứu và đưa anh Cảnh ra ngoài nhưng nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Lã Nghĩa Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.