7% và 6 năm, vì sao?

19/10/2022 04:18 GMT+7

Đó là khối lượng và thời gian xin lùi tiến độ hoàn thành dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) với Quốc hội.

Cụ thể, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 92,19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt khoảng 93%. Thời gian kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Bạn nghĩ gì về các con số này?

Có lẽ cảm giác đầu tiên của hầu hết mọi người khi nhìn vào những con số này là không hiểu gì cả. Không hiểu vì sao chỉ còn 7% khối lượng công việc mà lại phải chờ tới 6 năm nữa mới hoàn thành. Còn với rất nhiều người dân TP.HCM, đó là một cảm giác thất vọng, hụt hẫng không thể che giấu. Họ đã chuẩn bị tâm lý để trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP lớn nhất cả nước vào cuối năm sau như cam kết trước đó. Bởi họ, người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, được cập nhật tiến độ của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (hay còn gọi là tuyến metro số 1) liên tục trong suốt năm qua. Đó là khi đón đoàn tàu đầu tiên cập cảng VN; đưa tàu về depot Long Bình; rồi lần 2, lần 3... mỗi lần tàu về là mỗi lần háo hức. Và sau 9 lần vận chuyển từ Nhật, đến đầu tháng 5 vừa rồi, toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã có mặt ở VN. Cùng với đó là những hình ảnh về đường ngầm, nhà ga thay đổi mỗi ngày; rào chắn thi công án ngữ gần 5 năm ở trung tâm TP được tháo dỡ; sản lượng công việc cập nhật thường xuyên. Đến cuối tháng 8, sau khi chạy thử trơn tru, ai cũng hân hoan tin rằng, cuối năm sau - năm 2023, dự án sẽ về đích như kế hoạch trước đó. Vậy mà đùng một cái, dự án xin lùi tiến độ tới 6 năm cho 7% khối lượng công việc.

Có rất nhiều vấn đề đằng sau những con số này.

Đầu tiên, đặt giả thiết nếu năm 2028 dự án hoàn thành thì chúng ta mất tròn 2 thập niên cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, tính từ năm khởi công 2008. Nếu tính từ khi được phê duyệt chủ trương thực hiện 2007, dự án đã bước sang thập niên thứ 3. Nhìn lại hành trình gần 2 thập niên vừa rồi, không đếm hết những lần giãn, lùi tiến độ của tuyến metro số 1 nói riêng và các tuyến metro khác nói chung. Nên lần lùi này chưa chắc đã phải lần cuối. Thực sự đến lúc này, chẳng có gì chắc chắn cả.

Thứ hai, thời gian 6 năm cho 7% khối lượng công việc còn lại có nghĩa là mỗi năm chỉ thực hiện hơn 1%. Tại sao tiến độ của dự án trị giá gần 43.000 tỉ đồng, là dự án trọng điểm của TP đầu tàu kinh tế của cả nước, lại chỉ đạt hơn 1%/năm?

Thứ ba, kéo dài thêm 6 năm nữa thì chi phí đội lên bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm?

Thứ tư, những máy móc thiết bị đã nhập về, cụ thể là 17 đoàn tàu, nằm chờ 6 năm nữa như thế nào, bảo quản, chi phí ra sao?

Tuyến số 1, số 2 đều xin lùi tiến độ thì các tuyến còn lại chẳng biết đến bao giờ mới hình thành. Hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM, theo các nhà chuyên môn, không chỉ đồng bộ với nhau mà còn đồng bộ với nhiều dự án hạ tầng khác nữa thì mới hiệu quả trong việc giảm tải cho hạ tầng giao thông hiện tại..., tiếp tục nằm trên giấy.

Cuối cùng thì 7% và 6 năm, một tỷ lệ rất nhỏ cho một thời gian rất dài, vì sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.