Cho mãi đến khi Bích Khê bước sang tuổi 100 và 70 năm sau ngày ông tạ thế (2016), tên tuổi của thi sĩ tài hoa này mới được trả lại một cách đầy đủ và thành kính nhất ngay trên quê hương của ông: Thu Xà - một làng quê từng là khu phố cổ sầm uất của người Minh Hương thế kỷ 17 - 18 nhưng đã bị chiến tranh san phẳng vào đầu những năm 1970.
Từ một lời khích tướng
Bích Khê sinh năm 1916 tại làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh thuộc bờ bắc sông Trà (Quảng Ngãi) nhưng lớn lên tại Thu Xà, địa danh nổi tiếng cùng thời với Hội An, nằm ở phía đông huyện Tư Nghĩa, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 10 cây số về hướng biển.
Rong ruổi khắp sơn cùng thủy tận, hết Hà Nội đến Đồng Hới, tới Huế, rồi Phan Thiết... theo chân chị ông là bà Ngọc Sương, vợ nhà báo Lạc Nhân, chủ bút báo Tiếng Dân nổi tiếng cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bích Khê trải qua khá nhiều nghề, trong đó có nghề dạy học và nghề... chơi.
Ông từng thuê hẳn một chiếc thuyền đi dọc sông Trà trong nhiều tháng liền chỉ để ngắm non xanh nước biếc. Nếu chỉ dừng lại ở việc “lêu lổng” như thế thì không có gì để nói về ông cả. Sở dĩ người đời sau còn nhắc mãi tên Bích Khê là vì, ông đã để lại cho hậu thế những thi phẩm mà một người vốn nghiêm khắc trong việc đánh giá thi tài của các nhà thơ cùng thời như Hoài Thanh cũng phải thốt lên: “Tôi đã bắt gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Những câu thơ “hay vào bậc nhất” ấy, nằm trong tập Tinh huyết, một ấn phẩm được Bích Khê hoàn thành chỉ trong 3 tháng sau lời hứa với bạn ông - nhà thơ Hàn Mặc Tử: “Trong 6 tháng tới sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”.
|
Từ bấy, trong phong trào Thơ Mới có thêm một tên tuổi mà sự cách tân trong thi pháp của tác giả này vẫn còn làm ngạc nhiên với nhiều nhà phê bình văn học cho đến tận hôm nay.
Làng cũ trong vườn thơ
Câu thơ “hay vào bậc nhất” mà Hoài Thanh nhắc đến là câu: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông” trong bài Tỳ bà, một bài thơ toàn thanh bằng, điều cực hiếm trong Thơ Mới lúc ấy.
Người cháu ruột của Bích Khê là anh Lê Quốc Ân kể rằng, trong khuôn viên nhà thờ họ Lê tại Thu Xà từng có cây ngô đồng cùng cây nhãn cổ thụ luôn sum suê hoa trái. Những loài cây này đã lung linh trong thơ Bích Khê, đặc biệt là những bài thơ ông viết trước lúc lâm chung vì bệnh lao phổi. “Là lúc đêm về trên mái ngói/Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay/Em đang nổi bệnh trong phòng vắng/Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy” (Làng em).
|
Cuốc xe ngựa muộn mằn cuối ngày đã đưa “bệnh nhân” Lê Quang Lương (tên thật của Bích Khê) trở lại Thu Xà sau nhiều tháng chữa bệnh lao phổi tại Huế bất thành. Tháng giêng năm 1946, Bích Khê ra đi vĩnh viễn, mãi mãi dừng lại ở tuổi ba mươi. Trong hồi ký của mình, bà Ngọc Sương, chị ruột Bích Khê có nói, hay tin dân Thu Xà vùng lên cướp chính quyền vào mùa thu năm 1945, Bích Khê đang nằm liệt giường nhưng vẫn đề nghị người nhà khiêng ông ra đường để được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trước khi nhắm mắt. Cả ông nội và cha của Bích Khê đều là những nhà nho yêu nước. Ông Lê Trọng Khanh, ông của Bích Khê từng cáo quan về quê dạy học và phải uống thuốc độc tự vẫn để khỏi liên can vào tội ác chống phá phong trào Cần Vương. Ngay cả người chị ruột của Bích Khê - bà Lê Ngọc Sương cũng từng bị Pháp bỏ tù vì tham gia cách mạng.
Phải “trích ngang” đôi dòng lý lịch như vậy để thấy nỗi oan của Bích Khê suốt 70 năm khi người ta gán cho ông cái tội Tơ-rốt-kít! Bích Khê được giải oan bắt đầu từ cuộc hội thảo về con người và thơ ông do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006, nhưng mãi đến 10 năm sau, làng Thu Xà mới bừng ngộ khi đích thân những người lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi đến khuôn viên nhà thờ tộc họ Lê ở đây cắt băng khánh thành “Vườn thơ Bích Khê”.
Có lẽ chưa có nhà thơ nào mà số phận lại lận đận như Bích Khê dù ông không hề hay biết. Cũng chưa thấy có nhà thơ nào mà không gian trong những trước tác của mình lại được hội tụ trong một khuôn viên như ở Thu Xà này. Cả cái ngôi làng đã từng nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ cũng được thu nhỏ trong khuôn viên ấy. Hoàn toàn không mang tính “minh họa” một cách thô thiển cho những thi phẩm của Bích Khê, song khách thơ vẫn nhận ra một không gian bàng bạc với lá ngô đồng, một thời gian ngưng tụ qua tiếng đàn tỳ bà, một “làng cũ buồn thu quạnh” cùng một Ngũ Hành Sơn thấp thoáng mùi thiền...
Các kiến trúc sư và những họa sĩ tham gia thiết kế vườn thơ này phải thực sự là những “tín đồ” của thơ Bích Khê thì mới có thể lột tả hết những hàm ngôn, ẩn ngữ sâu xa qua từng thi phẩm mà ông đã gửi lại hậu thế. Gia đình nhà thơ đã dành gần 2.000 m2 đất “hiếm” để dựng lại không gian thành địa chỉ cho khách thập phương mỗi khi về Thu Xà thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vùng quê này.
Bích Khê xứng đáng để được tri ân như thế, bởi những gì mà ông gửi lại cho hậu thế không hề ngắn ngủi như tuổi ba mươi của đời ông.
Bình luận (0)