70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường của tướng Giáp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/04/2024 06:53 GMT+7

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải đưa ra 'quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân' của mình, song đó cũng là quyết định có ý nghĩa quyết định sự thắng, bại của chiến dịch.

Kế hoạch tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm 2 ngày

Sáng 4.4, tại Ninh Bình, Quân đoàn 12, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm "Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay".

Tham luận tại tọa đàm, thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), cho biết tới đầu tháng 12.1953, chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp. Giữa tháng 12.1953, thực dân Pháp đã tập trung 12 tiểu đoàn tại Điện Biên Phủ, từng bước hình thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, kiên cố để nghiền nát các đại đoàn chủ lực của ta.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường của tướng Giáp- Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

TƯ LIỆU

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo thượng tướng, PGS-TS Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), với quân Pháp, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, là hình thức phòng ngự mới nhất, hiện đại nhất. Đây là "pháo đài khổng lồ không thể công phá" mà tướng Giáp sẽ "không dám chấp nhận giao chiến" vì quân đội Việt Minh chưa bao giờ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn đến như vậy. Nếu tiến công vào Điện Biên Phủ sẽ đi vào con đường tự sát.

Tới ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 5.1.1954, ông lên đường ra mặt trận.

Trong tham luận gửi tới tọa đàm, ông Khoa nhìn nhận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy không hề đánh giá thấp sức mạnh của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy ta nhận thức rõ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một mục tiêu đông về quân số, áp đảo về hỏa lực, với công sự kiên cố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Bộ Chỉ huy nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng không phải là không dám đánh vào nơi kẻ địch mạnh, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường của tướng Giáp- Ảnh 2.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), tham luận tại tọa đàm

GIA HÂN

Ngày 12.1.1954, tại Tuần Giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo. Đảng ủy Mặt trận và tất cả đều tán thành phương châm chiến dịch là "đánh nhanh, thắng nhanh". Cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh cũng khẳng định, nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ.

Đại tá Trần Liên, nguyên cán bộ tham mưu Trung đoàn cao xạ 367 năm 1954, người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, kể lại kế hoạch ban đầu khi địch mới co cụm về Điện Biên Phủ có 6 tiểu đoàn nên chủ trương tác chiến với phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", dự kiến tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm 2 ngày. "Khi đó, có phương án kéo pháo bằng tay 15 km đường rừng núi từ Nà Nhạn (H.Điện Biên) đường 41 qua núi Pha Phu Xông sang bản Tấu trên đường Lai Châu, Điện Biên. Dự kiến kéo với 5.000 cán bộ, chiến sĩ công binh và tiểu đoàn bộ binh 174 trong một ngày đêm", vị đại tá năm nay 96 tuổi cho biết.

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT ĐỜI CẦM QUÂN CỦA Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tuy nhiên, trước sự tăng cường phòng ngự của địch và qua nhiều ngày theo dõi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy quân địch ở Điện Biên Phủ đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Trong khi đó, pháo binh của phía ta, hỏa lực chủ yếu của chiến dịch, lại không kéo được vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu. Nếu "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì không bảo đảm thắng lợi.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường của tướng Giáp- Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 cùng đại tá Trần Liên (thứ 4 từ trái sang) và ông Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thứ 2 từ trái sang) tại tọa đàm

GIA HÂN

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Quyết định xoay chuyển cục diện chiến trường của tướng Giáp- Ảnh 4.

Đại tá Trần Liên, nguyên cán bộ tham mưu Trung đoàn cao xạ 367 năm 1954, phát biểu tham luận tại tọa đàm

GIA HÂN

Theo thượng tướng Trần Việt Khoa, tại Hội nghị Đảng ủy Mặt trận ngày 26.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy Mặt trận đã đề nghị các đảng ủy viên trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là: đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không? Trải qua nhiều giờ thảo luận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Đánh theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc".

Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, cho hay trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, Đại tướng đi đến một quyết định là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Sáng 26.1.1954, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Sau khoảng nửa giờ trao đổi, cố vấn Vi Quốc Thanh nhất trí với sự phân tích, đánh giá của Ðại tướng và đồng ý hoãn cuộc tiến công, chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ngay sau đó, Hội nghị Ðảng ủy Mặt trận được triệu tập để thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Hội nghị đã trao đổi, tranh luận rất thẳng thắn. Trong hội nghị, lúc đầu cũng có ý kiến phản đối với thay đổi phương châm tác chiến. Tuy nhiên, với tư cách là một Tổng tư lệnh, Đại tướng đã phân tích một cách khoa học và đặt vấn đề phải bảo đảm "chắc thắng mới đánh" như quyết định của Bộ Chính trị và lời dặn của Bác Hồ với ông: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

Cuối cùng Đảng ủy Mặt trận cũng tìm được sự thống nhất trong vấn đề thay đổi quyết định từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Ðại tướng ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm tác chiến mới.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ, việc chuyển phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân" của ông. Nếu cứ giữ lệnh cũ sẽ là một tội ác. "Đây là quyết định sáng suốt mang đậm nhãn quan quân sự cá nhân sắc sảo, bản lĩnh, dũng cảm, quyết đoán, táo bạo, sáng suốt, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thắng lợi của chiến dịch và xương máu của cán bộ, chiến sĩ của người cầm quân và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ", thượng tướng Trần Việt Khoa đánh giá.

Thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau hơn 2 tháng chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, lúc 17 giờ ngày 13.3.1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm, sau 3 đợt tiến công, đến 17 giờ 30 ngày 7.5.1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Theo đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, diễn biến chiến trường 56 ngày đêm sau đó cho thấy việc thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là "kịp thời và sáng suốt, có ý nghĩa quyết định sự thắng, bại của chiến dịch Điện Biên Phủ". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.