Cách đây tròn 70 năm, Alexandre Yersin ra đi vĩnh viễn, để lại cho người dân xóm Cồn, Nha Trang, cũng như cả tỉnh Khánh Hòa và giới y học niềm thương tiếc khôn nguôi về một con người đã cống hiến trọn đời cho khoa học và phục vụ người nghèo.
Sinh ra tại Thụy Sĩ (22.9.1863), theo học nhiều trường đại học danh tiếng ở nước này, Đức và Pháp, rồi trở thành nhà bác học lừng danh với nhiều phát minh làm sửng sốt giới y học trên thế giới, thế nhưng, A.Yersin lại chọn Khánh Hòa làm nơi gắn bó đến hết cuộc đời mình. Trong di chúc để lại, A.Yersin dặn các môn đệ của mình hãy để ông yên nghỉ tại Suối Dầu - một nông trại mà ông dùng làm nơi nghiên cứu để chế ra loại vắc xin chữa bệnh dịch hạch. Cũng trong di chúc ấy, ông nói rõ đám tang ông phải được tổ chức thật giản dị, không cần điếu văn. Khi chôn cất, ông xin được nằm úp mặt, hai tay dang ra, để được ôm trọn mảnh đất mà ông đã gắn bó suốt đời cùng bao số phận khó nghèo mà ông từng yêu mến chở che và nâng đỡ.
|
Sinh thời, A.Yersin đã tự coi mình như một công dân của xóm Cồn - một làng chài nằm ở cuối sông Cái. Ông đã nhập vào làng chài ấy để cảm nhận hết nỗi thống khổ của những mảnh đời cần lao. Và rồi, bằng tấm lòng bao dung của một vị bác sĩ nhân hậu, A.Yersin đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những số phận bất hạnh tại đây. Vì vậy, người dân xóm Cồn vẫn gọi A.Yersin bằng một cái tên thân mật “ông Năm”. Có lẽ hiếm có người nước ngoài nào được người dân Việt Nam gọi tên bằng “thứ” như thế. Những phát minh vĩ đại của một nhà khoa học, sự dấn thân đầy xả kỷ của A.Yersin được người dân Khánh Hòa và Việt Nam đón nhận và xem ông như một danh nhân nước Việt. Không phải ngẫu nhiên mà trên bàn thờ của người dân xóm Cồn, bao giờ chân dung của A.Yersin cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất. Và cứ đến ngày 1.3 hằng năm, người dân xóm Cồn lại tổ chức giỗ A.Yersin.
Giới khoa học đã viết nhiều về A.Yersin với tư cách là người đã phát minh ra huyết thanh chống dịch hạch, chế ra thuốc ký ninh để trị bệnh sốt rét, đã phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội… Riêng với xóm Cồn, người dân còn lưu giữ thêm trong lòng họ về hình ảnh của một “ông Năm” nhân hậu, biết thương quý và hay giúp người nghèo, một “ông Năm” tuổi 70 vẫn vượt núi băng ngàn để khám bệnh cho đồng bào thiểu số vùng cao. Vì vậy, người ta không ngạc nhiên, sau ngày giải phóng, nhiều thành phố vẫn giữ tên đường Yersin. Giờ lại có thêm một bảo tàng, một trường học ở Khánh Hòa mang tên ông, một khu di tích - nơi ông từng làm việc và yên nghỉ 70 năm qua trở thành di tích cấp quốc gia, địa chỉ đã đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng mỗi năm. Lần giỗ thứ 70 này, người dân xóm Cồn lại thầm khấn tên “ông Năm” bằng tất cả niềm kính trọng và ơn nghĩa.
Theo dấu chân Yersin
Nhà văn Pháp Patrick Devill (ảnh) dành nhiều năm đi theo cuộc hành trình của Yersin. Cuốn tiểu thuyết Yersin, Dịch hạch và Dịch tả của ông đã giành giải thưởng Fémina (Pháp) vào năm ngoái. Yersin, Dịch hạch và Dịch tả đan xen nhiều bút pháp từ tư liệu, tự truyện, ký, cho đến tiểu thuyết. Cuốn sách không chỉ đơn thuần giới thiệu về tiểu sử của nhà khoa học, mà tái hiện sống động những cuộc hành trình khám phá khoa học và cuộc sống của Yersin. Cuốn sách sẽ được Nhà xuất bản Trẻ dịch sang tiếng Việt trong năm nay. Minh Ngọc |
Trần Đăng
>> Nghiệm thu tượng nhà bác học A.Yersin
>> Không làm mới mộ bác sĩ A.Yersin
>> Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ 1: Con người kỳ lạ
>> Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ 2: Vào “thành phố chết”
>> Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ 3: Chiến thắng "tử thần đen
>> Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ 4: Duyên nợ với nước Việt
>> Yersin - trái tim sống mãi nơi này - Kỳ cuối: Yersin chưa bao giờ chết
Bình luận (0)