Chưa phát hiện gian lận có tổ chức
Tại cuộc họp báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức đang diễn ra chiều nay, 27.6, báo cáo của Bộ GD-ĐT tại cộc họp cho biết việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn các sở GD-ĐT, các trường THPT giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật tốt.
Đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các sở GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được hai mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Báo cáo của Bộ cũng cho hay kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).
Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót xảy ra ở một số hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy đinh. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã sẵn sàng
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho hay công việc quan trọng tiếp theo là Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành chỉ đạo chấm thi trên toàn quốc. “Hiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay đã sẵn sàng. Bộ sẽ chỉ đạo các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình theo quy chế đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ”, ông Trinh khẳng định.
Với các sở GD-ĐT, sẽ phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Bộ GD- ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi.
Ông Trinh cũng khẳng định Bộ sẽ tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.
Đồng thời, triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kỳ thi: cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1980 điểm với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% (môn ngữ văn 99,6%; toán 99,53%; vật lí 99,6%; hoá học: 99.56%; sinh học: 99.66%; ngoại ngữ 99.59%; lịch sử 99,48%; địa lí 99,54%; GDCD 99,6%).
|
Bình luận (0)