8 dấu hiệu bệnh răng miệng 'tố cáo' sức khỏe bạn đang có vấn đề

Thiên Lan
Thiên Lan
24/09/2020 00:10 GMT+7

Bạn đã biết tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh răng miệng tốt. Nhưng có lẽ còn chưa đủ, nếu bạn biết rằng, răng miệng gắn liền mật thiết đến tất cả cơ quan khác trong cơ thể và cả sức khỏe tổng thể của bạn.

Bác sĩ Leena Palomo, giáo sư tại Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết như trên, đó là lý do tại sao chăm sóc răng miệng là một phần không thể thiếu của sức khỏe tổng thể, theo Best Life.
Răng và nướu có thể đưa ra những tín hiệu tinh tế về sức khỏe tổng thể của bạn.

1. Có nguy cơ mắc bệnh tim

Nếu bị bệnh nướu răng thì tim có thể đang gặp vấn đề. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh tim, tắc nghẽn động mạch và đột quỵ có thể liên quan đến tình trạng viêm và nhiễm trùng do vi khuẩn đường miệng gây ra, theo Mayo Clinic.
Một nghiên cứu lớn năm 2016 được công bố trên tạp chí về tuần hoàn máu Circulation cho thấy, những bệnh nhân bị bệnh nướu răng có nguy cơ bị cơn đau tim cao hơn đáng kể.

Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, nếu mắc thêm bệnh nướu răng nặng, có nguy cơ tử vong trong vòng 10 năm cao hơn gần 10% so với bệnh nhân bệnh thận bình thường

Ảnh minh họa: Shutterstock

2. Có thể bị bệnh tiểu đường

Nếu dễ bị hư răng và ăn nhiều đường hoặc vệ sinh răng miệng kém thì hãy mau đi kiểm tra lượng đường trong máu, theo Best Life.
Mayo Clinic cho biết, khi lượng đường trong máu tăng cao, nhiều đường và tinh bột tương tác với vi khuẩn tự nhiên trong miệng, tạo thành mảng bám có thể dẫn đến hư răng và các bệnh về nướu.
Ngược lại, bệnh nướu răng có thể gây khó kiểm soát đường huyết và biến chứng, theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Clinical Periodontology.

3. Có thể có nguy cơ mắc bệnh thận

Một nghiên cứu lớn, được công bố trên Tạp chí Clinical Periodontology, cho biết bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, nếu mắc thêm bệnh nướu răng nặng, có nguy cơ tử vong trong vòng 10 năm cao hơn gần 10% so với bệnh nhân bệnh thận bình thường.

4. Một số bệnh gây khô miệng

Khô miệng dai dẳng có thể là dấu hiệu của một vấn đề và có thể làm tăng nguy cơ bị hư răng hoặc nhiễm nấm. Và theo Mayo Clinic, khô miệng có thể do tiểu đường, đột quỵ, nhiễm trùng nấm men gây tưa miệng, bệnh Alzheimer, sử dụng thuốc lá và rượu, hoặc thậm chí là một bệnh tự miễn dịch.

5. Có thể bị tổn thương thần kinh

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khô miệng cũng có thể do tổn thương các dây thần kinh tuyến nước bọt. Nếu gần đây có bị chấn thương ở đầu hoặc cổ và đang bị khô miệng, hãy nói chuyện với bác sĩ.

6. Có thể cần phải xét nghiệm HIV

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, vì HIV/AIDS làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khó chống lại nhiễm trùng, những người nhiễm virus có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn.
Đặc biệt, những người nhiễm HIV/AIDS thường bị khô miệng mạn tính, viêm lợi, tiêu xương quanh răng, lở loét, xùi mào gà, mụn rộp kèm theo sốt, nấm miệng, các mảng trắng và sần sùi trên lưỡi, và hư răng, theo Best Life.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo rằng bất kỳ ai trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần. Những người có nguy cơ cao hơn nên được kiểm tra hằng năm.
 

7. Viêm khớp dạng thấp

Nghiên cứu cho thấy, người bị viêm khớp dạng thấp - mắc bệnh về nướu răng nặng hơn nhiều so với nhóm đối chứng. Và bệnh nướu răng càng nặng thì bệnh viêm khớp dạng thấp càng nặng.

8. Thiếu canxi hoặc vitamin D

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Oral Investigations, cho thấy những người bị hư răng nhiều nhất có lượng canxi và vitamin D thấp hơn đáng kể.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy vừa bệnh nướu răng, vừa thiếu vitamin D làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Best Life.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.