8 nguyên nhân gây rụng tóc khó ngờ bạn cần biết

Thiên Lan
Thiên Lan
17/04/2020 10:22 GMT+7

Cái răng cái tóc là gốc con người! Câu nói của người xưa không phải không có ý nghĩa. Vì thật không có gì đáng lo ngại hơn khi mái tóc có vấn đề.

Tiến sĩ Nirupama Parwanda, bác sĩ da liễu và người sáng lập Zolie Skin Clinic, Greater Kailash, Delhi (Ấn độ), cho biết tình trạng của mái tóc đôi khi có thể đóng vai trò như một cửa sổ cho tình trạng sức khỏe tổng quát.
Tiến sĩ Parwanda chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn từ mái tóc như sau đây, theo Hindustan Times.

1. Tóc bạc sớm: Căng thẳng hoặc lo lắng

Ngoài lý do di truyền, căng thẳng cao độ có thể dẫn đến sự gia tăng sản xuất hoóc môn cortisol, làm tăng tốc quá trình lão hóa, gây ra bạc tóc.

2. Hói đầu: Hội chứng Cushing

Đây là vấn đề gây ra do cơ thể sản xuất quá mức và tiếp xúc kéo dài với hoóc môn căng thẳng cortisol.
Ở phụ nữ, điều này có thể tăng cường sản xuất hoóc môn nam tính - androgen, gây rụng tóc và hói.

3. Rụng tóc: Mất cân bằng tuyến giáp

Hoóc môn tuyến giáp đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất và sự phát triển của cơ thể.
Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém đều có thể dẫn đến tóc khô, dễ gãy và rụng.
Tuy nhiên, nếu tuyến giáp được cân bằng trở lại, mái tóc sẽ trở lại bình thường.

4. Rụng tóc quá mức: Rối loạn nội tiết tố

Ngoài tuyến giáp, sự mất cân bằng của các hoóc môn khác như estrogen, đặc biệt là ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và phụ nữ sau mãn kinh, có thể dẫn đến suy yếu nang lông và rụng tóc quá mức, theo Hindustan Times.

5. Rụng tóc đột ngột: Thiếu đạm

Đạm là thành phần chính của tế bào và cũng là thành phần chính của tóc, tiến sĩ Parwanda giải thích. Do đó, sự thiếu hụt đạm trong cơ thể có thể khiến chất lượng tóc bị suy giảm, cuối cùng dẫn đến rụng tóc.

6. Rụng tóc do thiếu máu

Máu chứa sắt và giống như đạm, nó cần cho rất nhiều quá trình thiết yếu trong cơ thể và cơ thể cần có đủ sắt để duy trì sức khỏe, kể cả mái tóc, theo Hindustan Times.
Trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, tóc có xu hướng yếu hơn và có thể rụng.

7. Ngứa da đầu và rụng tóc: Nhiễm nấm

Theo tiến sĩ Parwanda, nhiễm nấm da đầu có thể dẫn đến thân tóc trở nên yếu và do đó có thể dẫn đến rụng tóc.

8. Tóc nhờn: Chế độ ăn nhiều chất béo

Nếu tóc luôn bị nhờn mặc dù thường xuyên gội đầu, thì việc tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể là nguyên nhân.
Vì vậy, cần một chế độ ăn uống cân bằng và đảm bảo có đủ hàm lượng sắt, vitamin B và vitamin D.
Nên thường xuyên ăn rau xanh và trái cây tươi, tập thể dục thường xuyên và duy trì giấc ngủ tốt.
Tiến sĩ Parwanda cũng khuyên nên luôn giữ cho da đầu sạch sẽ và gội đầu 2 - 3 lần một tuần, theo Hindustan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.