Khi nói đến kỷ luật tài chính của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), tất cả xoay quanh con số 3.
Hiện có 8 nước châu Âu có tình hình ngân sách rơi vào vùng nguy hiểm - Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, 3% so với GDP là mức thâm hụt ngân sách giới hạn và có 5 nước EU có thể làm xấu tình hình ngân sách năm nay nếu họ vượt mức đó. Năm quốc gia trên là: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Croatia. Ba nước khác là Phần Lan, Ba Lan và Romania đang chạm ngưỡng thâm hụt 3% so với GDP.
EU có đề nghị các chính phủ phải thu hẹp thâm hụt ngân sách trong vòng 3% so với GDP, và giảm nợ đến mức 60% so với GDP. Nếu không làm được điều này, các nước phải đối mặt với một khoản tiền phạt. Tuy vậy, tính đến nay vẫn chưa có nước nào nộp phạt dù có nhiều nước đã nhiều lần vượt ngưỡng trên.
Kể từ khi Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được giới thiệu năm 1998 để tăng cường giám sát ngân sách, 25 trong số 28 nước thành viên EU đã vượt quá giới hạn thâm hụt. Thụy Điển, Estonia và Luxembourg là ba quốc gia tránh được vi phạm.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nguyên nhân đổ lỗi chủ yếu cho tình trạng giám sát ngân sách lỏng lẻo trên, khi chính phủ tung ra các chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ. EU đã đi từ hai nước vi phạm vào năm 2007 là Hy Lạp và Hungary lên 22 nước vi phạm ngưỡng 3% vào năm 2009. Trong số này có cả các nước bảo thủ tài chính như Đức và Áo.
Trong thời gian đó, thâm hụt trung bình của EU tăng lên 6,7% GDP từ chỉ 0,9% GDP. Năm 2010, Ireland lập kỷ lục với một khoảng cách đáng kinh ngạc là thâm hụt 3,2% so với GDP, theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC).
Đối với quốc gia nặng nợ Hy Lạp và tăng trưởng ốm yếu Pháp, sẽ có rất ít dấu hiệu tích cực khi hai nước này đã lần lượt đánh dấu năm thứ 21 và năm thứ 9 vượt thâm hụt ngân sách 3% GDP. Cả hai thành viên đã nhận được cảnh báo từ EC và Pháp được nới hạn đến năm 2017 để thực hiện cải cách.
Giới chuyên gia quốc tế dự báo Pháp sẽ thâm hụt 3,2% so với GDP trong năm tới rồi giảm còn 3% năm 2018. Bên cạnh Pháp, chỉ có Croatia là được dự báo không vượt ngưỡng 3% trong năm tới sau khi phục hồi từ suy thoái kinh tế. Tây Ban Nha được cho là sẽ thâm hụt 2,8% GDP, số liệu của Hy Lạp và Anh lần lượt là 2,4% và 2,2%.
Trong nhóm các nước quản lý ngân sách tốt nhất năm 2016, Luxembourg sẽ dẫn đầu. Dự kiến thâm hụt của nước này là 0,4% so với GDP. Theo sau Luxembourg là Estonia và Đức - đất nước mà chính phủ đã quản lý hiệu quả để chi ít hơn thu năm thứ ba liên tiếp.
Bình luận (0)