Theo người đứng đầu ngành gạo Thái Lan, các giống lúa thơm đặc sản địa phương như Pathum Thani và gạo KB 79 đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi bị nông dân loại dần ra khỏi quy trình sản xuất. Họ thay thế những giống này bằng các giống lúa Việt Nam với tên gọi là Khao Hom Phuang hay jasmine 85.
"Có tới 80% gạo đóng gói được bán ở Thái Lan là gạo Khao Hom Phuang của Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) công bố số liệu đáng kinh ngạc.
Nguyên nhân được chỉ ra là do năng suất của các giống gạo Thái Lan hiện rất thấp, cụ thể như Pathum Thani từ 800 - 900 kg/rai (1.600 m2) trong khi giống gạo thơm Việt Nam lên đến 1.200 thậm chí 1.500 kg/rai. Một điểm đáng chú ý là giống của Thái thời gian sinh trưởng đến 4 tháng (120 ngày) và chỉ trồng được 1 vụ trong năm, ngược lại giống của Việt Nam thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ 90 - 100 ngày và có thể trồng quanh năm.
"Các nhà xuất khẩu gạo cảnh báo các giống lúa địa phương có nguy cơ tuyệt chủng khi nông dân đổ xô trồng một giống lúa Việt Nam", tờ Bangkok Post lo lắng.
Theo ông Charoen, nông dân Thái Lan cũng dự kiến sẽ giảm sản xuất giống Hom Mali hơn mà thay vào đó là gạo trắng vì loại gạo này có thể trồng hai vụ mỗi năm và cho năng suất cao hơn. Nông dân Thái Lan phải tìm kiếm các giống lúa từ Việt Nam và Trung Quốc vì năng suất, sản lượng các giống nội địa không đáp ứng được nhu cầu của họ và thị hiếu của người tiêu dùng.
"Cục Lúa gạo cần đẩy nhanh quá trình phát triển các giống lúa mới thông qua hoạt động R&D, tạo ra năng suất cao hơn để giảm chi phí sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã cũng cần sửa đổi các quy định về việc cho phép nông dân trồng các giống lúa nước ngoài cùng với các giống lúa địa phương để qua đó giúp thúc đẩy phát triển các giống lúa Thái Lan", ông Charoen khuyến nghị.
Bình luận (0)