82% cán bộ tòa án chọn vua Lý Thái Tông làm nhân vật lịch sử của ngành

27/04/2020 17:19 GMT+7

Theo ông Ngô Tiến Hùng, Người phát ngôn của Tòa án nhân dân tối cao, 82% cán bộ ngành tòa án lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Bầu nhân vật lịch sử tiêu biểu...

Có 82% ý kiến cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống tòa án nhân dân chọn vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Ông Ngô Tiến Hùng, Người phát ngôn của Tòa án nhân dân tối cao, cho biết về quá trình lựa chọn nhân vật này.

Theo ông Hùng, trước đó, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học.

“Tại hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả, 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản xin ý kiến các cơ quan, ban, ngành trung ương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tư pháp,… về nhân vật lịch sử đã được hệ thống Tòa án nhân dân lựa chọn. Kết quả, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được được ý kiến đồng thuận cao của các cơ quan này.

“Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thống nhất đề xuất lựa chọn vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Sau đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu đã họp và bỏ phiếu nhất trí lựa chọn vua Lý Thái Tông”, ông Hùng cho biết.

… nhưng lại dựng biểu tượng công lý

Hiện tại, việc đặt tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam đang làm nóng dư luận. Rõ ràng, từ việc chọn một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử trở thành dựng tượng “biểu tượng công lý và hoạt động xét sử trong lịch sử”, ngữ nghĩa đã thay đổi hẳn.

Chưa kể, việc lựa chọn vua Lý Thái Tông trở thành biểu tượng trong hoạt động xét xử cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Thạc sĩ luật học Trần Anh Đức (Đại học Paris-Sud, Pháp) phân tích: “Sử chép rõ vì trước đó luật hình phiền nhiễu, khó hiểu khiến quan lại câu nệ lời văn, xét xử khắc nghiệt làm dân chúng oan uổng quá đáng. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép. Vì thế, vua thương xót mà sai soạn luật “để xem dễ hiểu, dân lấy làm tiện”. Vậy trước hết, đây là công tác lập pháp đảm bảo tính minh bạch (thống nhất, rõ ràng, dễ tiếp cận) của pháp luật, không phải xét xử. Thành ra nếu dựng tượng thì dựng ở Quốc hội, không phải tòa”.

Theo một nhà nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật của Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ban hành bộ Hình thư thời Lý Thái Tông là sự kiện đánh dấu sự phát triển của hoạt động lập pháp. Việc nhà vua cho đúc chuông để dân báo oan là biểu hiện của việc triều đình và nhà vua biết lắng nghe nguyện vọng của dân. Sự kiện này gần với hoạt động dân nguyện của các cơ quan dân cử.
“Hai sự kiện trên gần với hoạt động của Quốc hội hơn là tòa án”, nhà nghiên cứu này cho biết.
Hiện tại, đã có 3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông để cán bộ ngành tòa án lựa chọn. Các mẫu này đều có “đặc điểm” dựa trên tiêu chí chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, tượng có cầm cuốn Hình thư, hoặc trên bệ tượng có chiếc chuông kêu oan của người dân mà vị vua này cho đúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.