(TNO) Đối với những người chuyển đổi giới tính thành phụ nữ, 8.3 là ngày họ khao khát được nhận một đóa hoa, một lời chúc,… hơn bất kỳ một người phụ nữ nào khác. Bởi lẽ, ở họ, được là một người phụ nữ thực sự là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.
Có người là ca sĩ, người mẫu, có người là cô giáo, thợ may… nhưng họ đều có một điểm chung là khao khát được sống với chính mình, một người phụ nữ thực sự trong tâm hồn họ.
Ngày 8.3 đầu tiên trong đời
Ngày 8.3 năm nay là Ngày quốc tế Phụ nữ đầu tiên mà Khanh Chi Lâm, ca sĩ chuyển giới, được trải nghiệm với tư cách là một người phụ nữ.
Cô chia sẻ: “Đây là ngày 8.3 đầu tiên trong đời tôi được mọi người chúc mừng và dành nhiều tình cảm như một người phụ nữ thật sự. Bao nhiêu năm sống với tâm hồn của một cô gái trong thân xác một chàng trai. Giờ đây tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng tôi lại nhận được sự chấp nhận và yêu thương của mọi người. Điều đó ý nghĩa với tôi biết chừng nào”.
“Nữ” ca sĩ này cũng hào hứng chia sẻ với Thanh Niên Online rằng tối nay 8.3, cô sẽ cùng bạn trai ở nhà nấu ăn cùng nhau. “Với những người như tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ cần có thế”, Khanh Chi Lâm nói.
Ngày 8.3 năm nay, nhà thiết kế Franky Nguyễn, nhân vật được cho là có nét “hao hao Hồ Ngọc Hà”, đã đón nhận món quà sớm từ bạn trai của mình.
|
Quen nhau được hơn 4 năm, Franky Nguyễn rất trân trọng người bạn trai đã bên cạnh gắn bó và yêu thương cô từ khi chưa phẫu thuật chuyển giới cho đến khi cô có sự chuyển đổi lớn trong đời.
Riêng cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm thì không thể nào quên được món quà ngày 8.3 đầu tiên (món quà cách đây gần 9 năm) mà cô nhận được từ người yêu ở Mỹ gửi về. Bó hoa và nước hoa, món quà ngày ấy đến bây giờ cô vẫn còn giữ nguyên. Mối tình năm nào nay đã 10 năm và cô vẫn trân trọng, vun đắp từng ngày.
Phạm Lê Quỳnh Trâm chia sẻ: “Tôi thực sự hạnh phúc khi nhận được món quà trong ngày dành cho phụ nữ, từ một người xem mình là phụ nữ”.
Không chỉ được người yêu nhớ đến trong ngày 8.3, lúc Trâm còn đi dạy ở Bình Phước, chị vẫn thường nhận được những lời chúc mừng từ học trò của mình.
Chúng tôi chỉ “ké” ngày của phụ nữ
Không có được sự may mắn một khi đã chuyển giới, chị Lan Vy, tên thật là Trần Anh Kiệt, cho rằng ngày 8.3 có chăng chỉ là ngày cô “ké” với các phụ nữ thực sự.
“Từ nhỏ tới lớn, tôi hiểu mình là người phụ nữ trong thân xác đàn ông. Những ngày 8.3, thực lòng tôi không dám nghĩ đến vì chưa bao giờ cho rằng ngày đó dành cho mình”, chị Lan Vy chia sẻ.
|
Chị kể, thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày 8.3 chính là những năm chị quen một người bạn trai, được bạn dẫn đi chơi, đi ăn uống trong ngày này. “Sau thời gian đó đến nay, tôi không nhận được hoa, quà hay lời chúc của mọi người nên tôi cảm thấy ngày 8.3 như một ngày bình thường khác”.
Mặc dù từng được nhận quà, lời chúc từ bạn trai, học trò, nhưng khi nói về ngày 8.3 năm nay, chị Quỳnh Trâm chỉ cười: “Tôi không biết và cũng không có dự định gì cho ngày này. Niềm hạnh phúc từ những ngày 8.3 các năm trước đã là quá đỗi hạnh phúc đối với tôi. Tôi không dám mong gì hơn”.
Chị Quỳnh Trâm cho rằng, được trở thành một người phụ nữ, có một người yêu mình, được mọi người xem mình là phụ nữ đã rất hạnh phúc, nên ngày 8.3 chị không dám nghĩ sẽ có quà, có hoa như những người phụ nữ khác.
Kể về những ngày 8.3 trong quá khứ, ca sĩ Khanh Chi Lâm cho biết những ngày này là quãng thời gian cô phải đối mặt với sức ép từ gia đình, xã hội và trải qua sự trầm cảm về giới.
|
Franky Nguyễn cũng bao lần ước ao có được niềm vui ngày 8.3 như mẹ, như những cô bạn. Thế nhưng, niềm mong ước ấy chưa bao giờ được trọn vẹn.
Những ngày 8.3 năm trước, Franky Nguyễn cho biết thường tâm sự với mẹ, hỏi mẹ khi nào thì cô mới có thể sống đúng với giới tính của mình, mới được hưởng niềm hạnh phúc như mẹ trong ngày 8.3.
“Chính nỗi buồn đó tiếp thêm sức mạnh cho tôi cố gắng hoàn thiện mình hơn. Tôi tin sẽ có ngày tôi tìm được chính mình”, Franky Nguyễn chia sẻ.
Sống để giúp đời Mỗi tuần khoảng 4 buổi, ở Trung tâm dạy nghề quận 4 (đường Tôn Đản, quận 4, TP.HCM), cô giáo Quỳnh Trâm đến lớp để dạy phụ đạo miễn phí cho các học sinh. Lớp cô dạy quy định chỉ khoảng 20 em để dễ dàng kèm cặp.
Nguyễn Thị Thu Hồng, một trong những học trò của cô cho biết đã học lớp của cô Quỳnh Trâm được khoảng 2 tháng. Thu Hồng chia sẻ: “Em cảm thấy cô Trâm cũng giống như các cô giáo khác, không có sự khác biệt nào về giới tính. Trong khi đó, cô có sự khác biệt là dịu dàng, vui tính, dạy dễ hiểu và không bao giờ gây áp lực lên học trò”. Là một người thợ may lặng lẽ làm việc tại nhà, chị Lan Vy còn tham gia CLB Bầu trời xanh nhiều năm nay để tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho người đồng giới. Cô tâm niệm: “Cuộc đời ai sinh ra cũng mang cái nợ bên mình. Cái nợ đó là những người khó khăn, bất hạnh đang cần mình giúp đỡ”. Mặc dù có ngôi nhà rộng rãi nhưng cô chỉ ở trong một căn phòng nhỏ, bên ngoài lại để cho những người cơ nhỡ, gặp hoàn cảnh khó khăn ở chung nhà không lấy tiền. |
Hoàng Quyên - Thiên Hương
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 5: Bộ Y tế hứa tháng 6
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 4: Ngoài vòng pháp luật
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 3: Cơ quan chức năng cũng khổ
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới: Giới y học nói gì ?
>> Rắc rối chuyện "giới tính" của anh Phạm Văn Hiệp
>> Người nổi tiếng chuyển giới - Kỳ 1: Trả “xác” lại cho “hồn”
>> Người nổi tiếng chuyển giới - Kỳ 2: Hạnh phúc nhọc nhằn
>> Rộ tin đồn nam ca sĩ Lâm Chí Khanh chuyển giới
Bình luận (0)