89% trẻ em dùng internet: Nguy hay cơ?

06/03/2023 08:45 GMT+7

Một khảo sát mới đây của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH cho thấy trong quý 3/2022 có 89% trẻ em sử dụng internet, trong đó 87% sử dụng hằng ngày, trung bình 5 - 7 giờ. Nhưng chỉ có 36% trẻ trong độ tuổi 16 - 17 được dạy về an toàn mạng.

Độ tuổi tiếp cận với internet ngày càng sớm, thời gian sử dụng dài là nguy cơ hay cơ hội cho trẻ em, đâu là những lời khuyên?

DÙNG ĐIỆN THOẠI "TRÔNG CON"

Thầy Lê Văn Kết, quản lý Trung tâm kỹ năng sống Việt Đăng Quang, người giảng dạy kỹ năng sống tại các trường học TP.HCM, cho hay có thể thấy một bộ phận phụ huynh không thể sắp xếp được thời gian trông con, chơi cùng con nên đành chấp nhận đưa cho con các thiết bị điện tử để con "giết thời gian". Chiếc điện thoại/iPad như một "bảo mẫu" thời 4.0.

Bước chân ra đường, ở các quán cà phê, nhà hàng cũng có thể thấy nhiều gia đình, từ cha mẹ tới các con mỗi người một điện thoại, ai nấy tự xem phim, chơi game hay tán gẫu với người khác.

Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo, giáo viên tại Trường quốc tế Á Châu, cho rằng khi trẻ em sử dụng và thấy trên internet có nhiều điều hấp dẫn mình hơn là việc chạy nhảy, vận động, dần dần các em sẽ thụ động hơn, do đó ảnh hưởng tới cơ và xương. "Mặt khác khi trẻ ít ra ngoài tiếp xúc với thế giới xung quanh, dần dần các bé sẽ bị giảm đi khả năng quan sát và phân tích và giảm tương tác với các mối quan hệ xã hội, vì đôi lúc chúng sẽ coi điện thoại hay iPad, máy tính là "bạn", cô Thảo nói.

89% trẻ em dùng internet: Nguy hay cơ? - Ảnh 1.

Trẻ em được hướng dẫn kỹ năng sử dụng internet an toàn

DẠ THẢO

Trên phương diện một giáo viên, cô Thảo nhận thấy khi học sinh sử dụng điện thoại và internet quá nhiều dần dần khiến các em mất đi khả năng tư duy cũng như tính kiên nhẫn. "Việc xem quá nhiều nội dung nhanh và ngắn gọn như của TikTok sẽ khiến trẻ quen và dần mất sự kiên nhẫn nếu phải ngồi đọc một cuốn sách hay giải một bài tập. Thay vào đó, các em có thể tìm câu trả lời bằng internet", nữ giáo viên dạy toán nêu góc nhìn cá nhân.

NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LO

Không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ internet mang lại cho trẻ em trong lĩnh vực học tập, phát triển bản thân, kết nối với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên sẽ là nguy cơ nếu trẻ không được định hướng, giáo dục về an toàn mạng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên phụ trách môn các học thuyết và kỹ thuật tham vấn trị liệu tâm lý, môn đạo đức trong thực hành và nghiên cứu (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), cho biết: "Nghiên cứu khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa việc sử dụng quá nhiều internet/mạng xã hội và lòng tự trọng thấp ở trẻ em. Hơn nữa, khi những người trẻ tuổi dành phần lớn thời gian thức của họ trên máy tính có thể liên quan đến biểu hiện trầm cảm, lo lắng và cô đơn. Sử dụng internet thái quá cũng có thể dẫn trẻ đến rối loạn giấc ngủ, tính bốc đồng và rối loạn giảm chú ý. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và tiến trình phát triển của trẻ".

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, nhà sáng lập Trung tâm ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên, cho rằng việc tiếp cận công nghệ quá sớm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát cần thiết từ phụ huynh sẽ đem lại nguy cơ nhiều hơn là cơ hội cho trẻ. Đơn cử như thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp, dữ liệu người dùng bị theo dõi, kẻ xấu lợi dụng sự non dạ, cả tin của trẻ để lừa gạt, thao túng tinh thần và cạm bẫy từ các game độc hại cũng chờ sẵn để ngốn thời gian, tạo ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ…

89% trẻ em dùng internet: Nguy hay cơ? - Ảnh 2.

Trẻ em cần được hướng dẫn, kiểm soát các nội dung an toàn trên internet

TN

GIÚP TRẺ CHỦ ĐỘNG SỬ DỤNG MẠNG AN TOÀN

Người lớn có thể đồng hành, hướng dẫn dạy con để sử dụng internet đúng cách. Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần chuẩn bị tinh thần đối diện và giải quyết vấn đề từng bước thì sẽ giúp được trẻ trong việc sử dụng internet an toàn.

Trong một tiết học tiếng Việt tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM, khi cô Trần Thị Diễm Châu (chủ nhiệm lớp 1/4) mở máy chiếu để học sinh thấy được bài soạn sinh động trên bảng, cô cũng vừa nhắc học trò các thao tác để sử dụng chiếc máy vi tính cũng như nguyên tắc để tìm kiếm thông tin an toàn trên internet. Cô giáo cũng thực hành ngay các thao tác để học trò được quan sát. Dù học sinh lớp 1 chưa học môn tin học, tuy nhiên theo cô Châu trẻ em bây giờ được tiếp xúc rất sớm với điện thoại thông minh, máy tính bảng từ ở nhà nên việc nhắc nhở, kèm cặp các con về các thiết bị điện tử chưa bao giờ là thừa.

"Ví dụ trong quá trình tìm kiếm, trên màn hình của chúng tôi xuất hiện những video quảng cáo nội dung không phù hợp với lứa tuổi, trẻ em dưới lớp ồ lên. Tôi thẳng thắn nhắc nhở các con ngay: "Trên thế giới internet có rất nhiều điều bổ ích và kiến thức thú vị, nhưng các con đợi mình lớn hơn một chút. Chúng ta phải dành thời gian để học tập trước đã, rồi chúng ta sẽ khai thác được nhiều điều hay hơn". Tôi cũng trò chuyện với các phụ huynh, để gia đình và nhà trường phải cùng song hành trong việc dạy các con tiếp cận với internet an toàn, quản lý thời gian và nội dung các con xem", cô Diễm Châu nói.

Thầy Lê Văn Kết cho biết hiện nay tại các trung tâm kỹ năng sống cũng như tại nhiều trường học đã đưa việc giáo dục internet vào giảng dạy và được chia theo nhiều độ tuổi. Trẻ mầm non, tiểu học sẽ được phân tích mặt tốt và xấu của internet, cách phụ huynh nghiêm khắc quản lý thời gian dùng internet của trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.