Người dùng Internet Việt Nam chịu cảnh 'rùa bò' chưa biết đến bao giờ mới kết thúc

Mai Phương
Mai Phương
07/02/2023 11:39 GMT+7

Lần đầu tiên Việt Nam có 4 tuyến cáp quang biển trong tổng số 5 tuyến bị đứt khiến người sử dụng trên cả nước phải chịu cảnh kết nối Internet chậm, hoặc có thời điểm không thể truy cập. Đáng nói, tình trạng này vẫn đang tiếp tục mà chưa biết đến bao giờ mới khôi phục hoàn toàn.

Liên tục những ngày qua, những người sử dụng mạng Internet đều chịu tốc độ "rùa bò" thậm chí khó truy cập, mất kết nối... Đây là lần đầu tiên Việt Nam có cùng lúc 4 tuyến cáp quang biển trong tổng số 5 tuyến bị đứt. Cập nhật đến sáng nay (7.2) từ một số nhà mạng cho biết theo dự kiến, tuyến cáp APG sẽ được khôi phục đầu tiên trong tháng 3, giúp khôi phục một phần dung lượng kết nối quốc tế trong nước. Trong khi đó, lịch sửa chữa khắc phục của 3 tuyến cáp còn lại vẫn chưa được công bố.

Từ cuối tháng 1, Việt Nam diễn ra liên tiếp 2 sự cố đứt cáp quang biển. Đó là đứt tuyến APG (đi Hồng Kông và Singapore) vào ngày 21.1 và đứt tuyến IA (đi Singapore) từ 28.1. Trước đó trong năm 2023, sự cố xảy ra với 2 tuyến cáp quang biển AAG và AAE vẫn chưa được khắc phục xong.

Đồng loạt 4 cáp quang biển bị đứt, người dùng Internet Việt Nam chịu cảnh 'rùa bò'  - Ảnh 1.

Người dùng truy cập Internet hiện đang chịu tốc độ rùa bò khi cùng lúc 4 tuyến cáp quang biển bị đứt

TNO

Đại diện Viettel cho hay, khi tuyến cáp APG được sửa chữa sẽ giúp khôi phục được 25% dung lượng kết nối quốc tế cho Viettel. Hiện, đây là nhà mạng duy nhất duy trì được 2 tuyến cáp quang biển, gồm tuyến AAE-1 đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hồng Kông. Trong đó, tuyến cáp IA là tuyến chỉ có duy nhất Viettel khai thác từ trước đến nay.

Hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet như VNPT, FPT, CMC, NetNam đều cho biết đã triển khai phương án ứng cứu, chuyển hướng lưu lượng ngay sau khi tiếp nhận thông tin xảy ra sự cố với các tuyến cáp biển. Song song với việc thực hiện phương án ứng cứu, các nhà mạng của Việt Nam đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố nêu trên.

Trong thời gian chờ các tuyến cáp quang biển được sửa chữa, khách hàng vẫn sử dụng được nhiều nền tảng xã hội cũng như các giao dịch chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Tuy nhiên, không tránh khỏi hiện tượng chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng tại một số thời điểm. Đặc biệt là các giờ cao điểm đối với các truy cập đòi hỏi băng thông Internet cao như chơi game trực tuyến, xem phim, xem video chất lượng cao…

Đại diện Viettel nhấn mạnh: Nhìn vào lịch sử có thể thấy, mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10 lần đứt cáp biển, thời gian đứt trung bình 1 tháng do việc sửa chữa cáp quang biển vô cùng phức tạp, và phải xin cấp phép ra vào địa phận các quốc gia cáp đi qua. Vì thế, thường chỉ có 3/5 tuyến cáp biển hoạt động đồng thời. Đó cũng là lý do Viettel luôn duy trì tối thiểu 40% dung lượng kết nối quốc tế để dự phòng đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng, tuy nhiên lại khiến tăng chi phí đầu tư cũng như tải cho lực lượng vận hành khai thác.
Trước bối cảnh đó, Viettel đã lên kế hoạch triển khai thêm 4 tuyến cáp biển từ nay đến năm 2030. Tuyến cáp ADC hiện đã hoàn thành triển khai cập bờ và dự kiến đưa vào hoạt động trong quý 3/2023. Tuyến ADC có dung lượng 18.000Gbps, giúp nâng gấp 3 lần dung lượng hiện tại của Viettel.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.