9 doanh nhân châu Á đáng chú ý trong năm 2018

15/01/2018 17:59 GMT+7

Vị thế trên thị trường toàn cầu của các công ty châu Á đã được nâng cao nhờ vào bước phát triển ấn tượng trong những năm gần đây.

Nhưng liệu trong năm 2018 các doanh nghiệp này có thể tiếp tục duy trì được động lực phát triển khi công nghệ mới đang biến đổi nhanh chóng nền kinh tế thế giới? Để trả lời, Nikkei Asian Review đã chọn ra 9 doanh nhân nổi bật nhất châu Á để có cái nhìn tổng quan về hướng phát triển chung của khu vực trong năm nay.
Mukesh Ambani
Mukesh Ambani là tỉ phú giàu nhất Ấn Độ, người đứng sau đế chế Reliance Industries kinh doanh đa lĩnh vực từ năng lượng, khai khoáng, hàng tiêu dùng cho tới phân phối di động. Tháng 9.2016, ông Ambani ra mắt công ty viễn thông Reliance Jio Infocomm và mở ra một cuộc chiến về giá với các đối thủ hiện có trên thị trường quốc gia Nam Á bao gồm Bharti Airtel, Vodafone India và Idea Cellular. Năm 2018 sẽ là năm mà tất cả các con mắt quan sát sẽ hướng về bước đi mới của Reliance Jio, đặc biệt kể từ sau khi công ty con của nhà tài phiệt Ấn Độ làm rung chuyển thị trường di động không dây trong nước bằng cách cung cấp các cuộc gọi và dữ liệu 4G miễn phí đến ngày 31.3.2018.
Song, ông Mukesk nhìn thấy ở Reliance Jio nhiều hơn là một công ty viễn thông. Với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ blockchain, tỉ phú Ấn Độ cho biết công ty ông có cơ hội để tái tạo tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước, từ giải trí, dịch vụ tài chính cho đến sản xuất nông nghiệp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Ông Suphachai Chearavanont Ảnh chụp màn hình Nikkei
Suphachai Chearavanont
Suphachai Chearavanont là con út của tỉ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont và 2018 có thể là năm mà ông bước ra khỏi cái bóng của cha mình. Tháng 1.2017, ông Suphachai đã thay thế cha ông để trở thành giám đốc điều hành Charoen Pokphand Group (CP), tập đoàn tư nhân chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ và viễn thông. Được biết, ông Dhanin vẫn là chủ tịch của Charoen Pokphand, nhưng ông đang có kế hoạch rút ra khỏi mọi hoạt động của công ty trong 10 năm tới.
Ông Supachai từng là giám đốc điều hành của True Corp từ năm 1999 và xây dựng công ty này trở thành hãng di động lớn thứ ba Thái Lan, vượt qua Total Access Communication trong việc áp dụng công nghệ mới. Công ty con của CP là đơn vị đầu tiên cung cấp iPhone của Apple cũng như ra mắt mạng 4G ở quốc gia Đông Nam Á.
Tháng 5.2017, ông Suphachai công bố tầm nhìn trung hạn của CP trong 5 đến 10 năm tới là trở thành “một công ty được thúc đẩy bởi chất lượng và công nghệ tiên tiến”. Tập đoàn sẽ tập trung vào kinh doanh trong lĩnh vực hậu cần, robotic và công nghệ sinh học. “Nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục hoạt động bởi vì mọi thứ đang thay đổi với tốc độ rất nhanh”, ông Suphachai nói.
Bà Aireen Omar Ảnh: Bloomberg

Aireen Omar
Aireen Omar, giám đốc điều hành AirAsia và AirAsia Berhad (Malaysia), đang có mục tiêu mới là biến hãng hàng không giá rẻ thành một “doanh nghiệp kỹ thuật số”. Ngày 10.1.2018, bà Aireen sẽ nhận chức Phó tổng giám đốc AirAsia. Ở cương vị mới, bà Aireen có nhiệm vụ trợ giúp ông chủ AirAsia Tony Fernandes phụ trách các hoạt động gồm dịch vụ thanh toán trực tuyến BigPay, trang mua sắm miễn thuế ROKKIShoppe.com và dịch vụ kinh doanh ăn uống trên chuyến bay Santan. Bên cạnh đó, bà Aireen vẫn sẽ tiếp tục quản lý rủi ro và những vấn đề chính phủ trong các dịch vụ của tập đoàn.
Việc thăng chức cho bà Aireen là một phần trong kế hoạch tăng trưởng của ông Fernandes trong 10 năm tới. Ông Fernandes đang nỗ lực tạo ra một công ty đầu tư mà ở đó AirAsia sẽ đóng vai trò như một nhà cung cấp dịch vụ chuyên biệt trong ngành hàng không giá rẻ, cùng với các công ty con khác.
Bà Aireen là một trong số ít phụ nữ đã phá bỏ những rào cản trong ngành công nghiệp hàng không. Bà gia nhập AirAsia vào năm 2006 với vai trò giám đốc tài chính. Sau đó, bà được thăng chức lên vị trí giám đốc điều hành vào năm 2012. Nhờ vào kinh nghiệm giao dịch chứng khoán phái sinh trong thời gian làm việc tại Deutsche Bank chi nhánh London và New York, ngươi phụ nữ tài năng này đã giúp AirAsia huy động vốn bằng các mô hình tài chính sáng tạo để phát triển đội bay trong giai đoạn khủng hoảng năm 2009.
Ông Young Sohn Ảnh: Reuters

Young Sohn
Cựu “chiến binh” ngành công nghệ Mỹ đang được kỳ vọng sẽ định hình tương lai của Samsung Electronics trong năm nay. Young Sohn, giám đốc chiến lược của Samsung, là người gốc Seoul nhưng đã có nhiều năm học tập và làm việc tại Mỹ. Ông đã từng theo học ngành cơ khí điện tử tại Đại học Pennsylvania và tốt nghiệp Học viện Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massacchusetts (MIT).
Ở tuổi 61, ông Sohn hiện ở Thung lũng Silicon để phụ trách mảng chiến lược sáp nhập và mua lại (M&A) của Samsung, với mục tiêu tìm ra các động cơ tăng trưởng mới. Được biết, ông chính là người đứng sau thương vụ Samsung mua lại Harman International, công ty chuyên sản xuất thiết bị âm thanh của Mỹ, với giá 8 tỉ USD vào năm 2016. Giám đốc chiến lược Samsung dường như cũng đang cân nhắc một số thỏa thuận mua lại khác trong năm 2018. Tháng 12.2017, ông Sohn đã nói với Reuters rằng ông quan tâm tới lĩnh vực tự động hóa công nghiệp, y tế và ô tô.
Ông Sohn là một trong số ít các giám đốc điều hành có mối quan hệ sâu rộng trong thị trường M&A toàn cầu. Trước khi gia nhập vào tập đoàn thương mại khổng lồ của Hàn Quốc hồi năm 2012, ông Sohn đã từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Agilent Technologies, Quantum và Intel. Sau khi Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong bị tuyên án 5 năm tù về tội tham nhũng, sự dẫn dắt của Sohn ở thời điểm hiện tại được đánh giá là có ý nghĩa sống còn đối với Samsung, đặc biệt trong lúc tập đoàn này đang cố gắng vượt ra khỏi các mảng kinh doanh truyền thống như điện thoại thông minh, sản phẩm bán dẫn và đồ gia dụng.
Ông Min Liang Tan (phải Ảnh: Reuters

Min Liang Tan
Min Liang Tan, game thủ và cũng là nhà đồng sáng lập Razer, công ty sản xuất máy tính xách tay và thiết bị ngoại vi chơi game chuyên dụng, vốn đã là một cái tên phủ khắp các mặt báo trong năm qua. Tháng 11.2017, Razer đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư bán lẻ. Nhờ đợt IPO thành công này mà doanh nhân 40 tuổi người Singapore được cho là đã trở thành tỉ phú.
Tháng 8.2017, trên dòng tweet gửi đến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Tan nói rằng ông có thể đưa ra kế hoạch hợp nhất thị trường thanh toán di động vốn đang rời rạc của Singapore trong vòng 18 tháng, nhằm tạo thuận lợi cho mọi người khi giao dịch. Thủ tướng Lý Hiển Long sau đó phản hồi rằng ông sẽ xem xét ý tưởng này “một cách nghiêm túc”. Ba tuần sau, Tan và nhóm của ông đã viết một đề xuất đầy đủ. Hiện mọi sự chú ý đang hướng về phía Tan để xem liệu ông có thể thay đổi thị trường thanh toán di động đầy cạnh tranh tại Singapore và khu vực Đông Nam Á hay không.
Ông Erick Thohir Ảnh: Reuters

Erick Thohir
Erick Thohir từng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc tế khi ông tiếp quản câu lạc bộ bóng đá Ý Inter Milan vào năm 2013. Sau khi bán cổ phần của mình trong câu lạc bộ cho tập đoàn Trung Quốc Suning Commerce Group trong năm 2016, ông Erik đã được giao nhiệm vụ nâng cao năng lực thể thao Indonesia với vai trò trưởng ban tổ chức Asian Games 2018.
Đại hội Thể thao châu Á năm nay sẽ được tổ chức tại thủ đô Jakarta và South Sumatra tỉnh Palembang (Indonesia) vào tháng 8.2018. Và Erik, người vẫn là chủ tịch Inter Milan, đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong vai trò mới. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) năm 2017 chỉ với 38 huy chương vàng, xếp thứ năm trong số 10 nước tham gia. Kết quả này đã làm Tổng thống Joko Widodo không hài lòng và kêu gọi ngành thế thao Indonesia phải đánh giá toàn diện về những thiếu sót của ngành.
Được biết, ông Erik là em trai của tỉ phú than Garibaldi Thohir và ông cũng đang sở hữu Mahaka Group, tập đoàn truyền thông điều hành mạng lưới truyền hình, đài phát thanh và báo chí tại Indonesia. Việc chỉ đạo tổ chức Asian Games thành công có thể mở ra cánh cửa mới cho ông Erik trong nền công nghiệp thể thao đang phát triển của đất nước. Hiện ông Erik cũng là ủy viên của Persib Bandung, câu lạc bộ bóng đá Indonesia gần đây đã mua hai cầu thủ từng chơi cho câu lạc bộ Chelsea của Anh là Michael Essien và Carlton Cole.
Ông Tung Tzu-hsien Ảnh chụp màn hình Nikkei

Tung Tzu-hsien
Là đối thủ dưới tầm so với thương hiệu công nghệ Foxconn thuộc tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision Industry, công ty Pegatron của ông Tung Tzu-hsien thường chỉ nhận được đơn đặt hàng lắp ráp các mẫu iPhone đời cũ của Apple. Tuy nhiên, ông Tung đang có tham vọng cao hơn cho doanh nghiệp của mình.
Giống như Foxconn, Pegatron cũng dựa vào hãng công nghệ Mỹ để có doanh thu. Được biết, các đơn hàng của Apple đem lại hơn 50% tổng doanh thu cho Pegatron. Và để nâng cao cạnh tranh với đối thủ trong việc mời gọi Apple đặt hàng linh kiện cho iPhone, ông Tung đang nỗ lực thúc đẩy Casetek, công ty con của Pegatron chuyên sản xuất mặt lưng kim loại cho iPad.
Hiện Pegatron đang dùng vỏ bọc kim loại và khung từ Catcher Techonology, đối thủ lớn của Casetek, để lắp ráp iPhone. Nhưng 2018 có thể là năm mà Casetek sẽ trở thành nhà cung cấp linh kiện vỏ bọc lưng kim loại cho iPhone, nếu Apple quyết định tung ra chiếc iPhone mới có thiết kế tương tự như iPad với màn hình tinh thể lỏng và mặt lưng kim loại. Trường hợp này xảy ra thì công ty của ông Tung có thể thu hẹp khoảng cách cạnh tranh với Foxconn khi vừa cung cấp vỏ bọc lưng kim loại và khung cho iPhone, đồng thời vừa cung cấp dịch vụ lắp ráp.
Ông Dennis Uy (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Ảnh chụp màn hình Nikkei

Dennis Uy
Xuất phát điểm chỉ là một doanh nhân bình thường ở thành phố Davao miền nam Philippines, nhưng Dennis Uy đã vươn lên trở thành nhà tài phiệt có tiếng nhất Philippines trong năm 2017. Ông đã tiếp quản ít nhất bảy công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau, trong khi vẫn đảm bảo các khoản vay lớn và một giấy phép mở sòng bạc.
Vậy điều gì đã đem lại sự thay đổi đáng kể này cho ông Uy? Câu trả lời nằm ở chiến dịch tranh cử thành công của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2016 mà trong đó có một phần tài chính do ông Uy tài trợ. Mặc dù ông chủ tập đoàn dầu khí Phoenix Petroleum Philippines khẳng định ông không nhận được ưu ái đặc biệt nào từ chính phủ mới, nhưng ông cho biết bản thân cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư dưới thời Tổng thống Duterte.
Sau các thương vụ táo bạo hồi năm ngoái, ông Uy dự kiến sẽ đưa ra lộ trình tăng trưởng mới cho năm 2018. Cụ thể, tập đoàn của ông sẽ khởi động dự án xây dựng thành phố thu nhỏ mới ở Clark Freeport Zone, ngoại ô thủ đô Manila, nơi dự kiến sẽ trở thành khu kinh doanh mới của quốc gia Đông Nam Á. Việc xây dựng sòng bạc của ông Uy ở Cebu cũng đang rất thuận lợi. Và các nhà đầu tư sẽ theo dõi cách ông trùm kinh doanh phát triển Family Mart Philippines, chuỗi cửa hàng tiện lợi được ông Uy mua lại từ Ayala Land vào tháng 10.2017. Gầy đây, ông Uy cũng đã mua lại một công ty vỏ bọc, vốn chỉ để phục vụ chiến lược thâu tóm cho công ty của đại gia này.
Ông Wang Jianlin Ảnh: Bloomberg

Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm)
Wang Jianlin đã khép lại một năm đầy sóng gió và năm 2018 được dự đoán có thể sẽ còn nhiều biến động hơn cho Chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda Group. Năm 2017, ông Wang đã bày tỏ tham vọng muốn đánh bại Disney khi tăng cường xây dựng các công viên giải trí. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không suôn sẻ khi mùa hè năm ngoái Bắc Kinh tăng cường quản lý các thương vụ đầu tư nước ngoài để ngăn dòng vốn chảy ra. Kết quả là tập đoàn của ông Wang phải đột ngột bán 13 dự án trong lĩnh vực văn hóa và 77 khách sạn cho hai đối thủ Sunac China và R&F Properties với giá 9,3 tỉ USD.
Kể từ đó, tin đồn bắt đầu nổi lên xung quanh việc kinh doanh của tập đoàn Dalian Wanda, trong đó có việc thay đổi nhân sự cấp cao, áp lực chính trị và khủng hoảng tiền mặt. Hiện thị trường đang dồn sự chú ý để xem liệu ông trùm bất động sản Trung Quốc sẽ tìm cách dọn dẹp đống lộn xộn trong năm cũ và trở lại đường đua trong năm 2018 như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.