18 tuổi, Nguyễn Cao Quỳnh Như chính thức là sinh viên Khoa Báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Nhưng thực ra, cô gái đã bước chân vào nghề báo từ năm 17 tuổi sau khi giành giải thưởng trong một cuộc thi lớn về báo chí. 20 tuổi, cô đã là Điều phối truyền thông của chiến dịch Giờ Trái đất Việt Nam và đảm nhận vai trò này trong hơn 3 năm.
“Kinh nghiệm làm điều phối truyền thông cho chiến dịch Giờ Trái đất là một bước đệm rất quan trọng để tôi không chỉ có thêm kiến thức về môi trường mà còn chứng minh khả năng lãnh đạo để tạo được ấn tượng trong mỗi hồ sơ của tôi sau này”, Quỳnh Như chia sẻ.
Xuất ngoại thường xuyên
Năm 2015, Quỳnh Như giành học bổng tới Indonesia, là đại biểu chương trình Hội nghị Lãnh đạo trẻ các nước châu Á - Mỹ Latinh (FEALAC). Indonesia cũng là mảnh đất duyên nợ của Quỳnh Như khi cô tiếp tục trở lại 2 lần trong năm 2016 khi liên tiếp hồ sơ của Quỳnh Như được chọn. Cô là đại biểu chương trình World Village Conference 2016 và đại biểu chương trình World Culture Forum 2016 (Diễn đàn Văn hóa Thế giới) tại đảo Bali, Indonesia.
|
“Tôi từng hối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để 'xuất ngoại' sớm hơn. Nhưng rồi càng đi nhiều mình càng nhận ra rằng việc 'bước ra thế giới' cũng cần đúng người, đúng thời điểm, tức là mình phải luôn là người sẵn sàng với đầy đủ kỹ năng, kiến thức vừa lúc khi cơ hội đến. Nên hãy tìm hiểu kỹ 'đối tượng' mà mình đang nhắm đến và trau dồi từng ngày, đừng từ bỏ, những giấc mơ sẽ thành hiện thức khi bạn đã sẵn sàng”, Quỳnh Như chia sẻ.
Quỳnh Như từng giành học bổng, tham gia hội thảo Writing Workshop tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; tham gia Khóa huấn luyện cho nhà báo trẻ về vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững do UNESCO tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia. Có thời gian, mỗi tháng cô đi nước ngoài một lần.
|
Thành công lớn nhất năm 2016 của Quỳnh Như phải kể đến việc cô trở thành 1 trong 12 nhà báo trẻ được lựa chọn trên toàn châu Á và cũng là người Việt Nam duy nhất tham gia vào Phòng báo chí của Diễn đàn Khu vực "Case for Space" diễn ra tại Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) tại Bangkok, Thái Lan.
“Trong phòng báo chí tôi đảm nhận vai trò Phó tổng biên tập với những công việc quen thuộc như tư duy đề tài, họp tòa soạn để phát triển đề tài 3 lần mỗi ngày, phỏng vấn, biên tập, dựng phim. Nhưng thách thức ở đây là ngôn ngữ cũng như việc làm quen với nhịp độ làm việc với các ban của Liên Hiệp Quốc, phát triển những đề tài phù hợp với chủ đề của diễn đàn mỗi ngày”.
Tuổi trẻ đi càng nhiều càng tốt
Quỳnh Như sinh ra ở thành phố Đà Nẵng, cô cùng gia đình chuyển tới TP.HCM từ năm 10 tuổi. Cô gái trẻ đam mê đọc sách, thích dịch chuyển, sống độc lập, quyết đoán.
Săn được vô số học bổng lớn nhỏ để bước ra thế giới, Quỳnh Như cho rằng việc chuẩn bị cho mình một tâm thế luôn sẵn sàng là điều vô cùng quan trọng.
|
“Việc ứng tuyển vào một chương trình cần chuẩn bị kỹ càng, để làm nổi bật các hoạt động xã hội mình đã tham gia, viết được những bài luận tốt và thể hiện được góc nhìn đặc biệt của riêng mình. Tôi cũng luyện tập tốt các phần phỏng vấn qua điện thoại hay qua mạng, sau đó sẵn sàng kiến thức, tự tin trước ngày lên đường”, Quỳnh Như cho hay.
Bên cạnh đó, theo Quỳnh Như, bí quyết thành công của cô còn là tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chương trình tình nguyện và đặc biệt là trau dồi tiếng Anh vì mỗi chương trình đều có hàng trăm đến hàng ngàn người ứng tuyển với những ứng viên rất mạnh.
Quỳnh Như đang làm trong lĩnh vực quảng cáo tại TP.HCM. Cô gái trẻ chưa dừng lại trong hành trình dịch chuyển của mình. Quỳnh Như tâm niệm: “Hãy tận dụng tuổi trẻ để đi càng nhiều và càng xa càng tốt, đó là khoảng thời gian mà chúng ta có thể thực sự tận hưởng tốt nhất những chuyến đi của mình”.
|
Với Nguyễn Cao Quỳnh Như, mỗi chuyến đi, mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa lại cho cô bạn những trải nghiệm khác nhau, đó là những điều vô giá.
“Tôi đã từng gặp những bạn trẻ cực kỳ giỏi như ở chuyến đi đến Bandung, Indonesia có một đại biểu đặc biệt 13 tuổi. Cô bé đã xây dựng được một trang web gây quỹ và xây dựng hoạt động giúp trẻ em đường phố.
Tôi không thể nào quên buổi nói chuyện với những người bạn ở sảnh Liên Hiệp Quốc, về việc ấp ủ ra mắt một quyển sách về LGBT (cộng đồng những người đồng tính) ở Thái Lan của một người bạn Thái hóm hỉnh; hay chia sẻ giấc mơ ứng cử vào chính phủ và đấu tranh cho quyền của người trẻ của anh bạn Campuchia luôn chỉn chu, đạo mạo. Đi được đến những nơi xa và gặp được những người đồng điệu với mình là một điều rất tuyệt vời”, Quỳnh Như bộc bạch.
tin liên quan
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Người trẻ phải năng động hơn nữaNgày 25 - 26.4, Giáo sư Ngô Bảo Châu có buổi gặp gỡ và truyền cảm hứng học thuật cho hàng ngàn sinh viên miền Trung.
Bình luận (0)