Á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia 2016 thành giảng viên ‘siêu’ 3 ngoại ngữ

Hà Ánh
Hà Ánh
13/10/2024 16:39 GMT+7

Trần Thái Đình Khương, á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16, đã trở thành giảng viên trường ĐH. Không chỉ tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc tại Nhật Bản, giảng viên này còn được biết đến với hồ sơ 'khủng' khi sở hữu 3 chứng chỉ ngoại ngữ đều ở mức cao.


Á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia 2016 thành giảng viên ‘siêu’ 3 ngoại ngữ- Ảnh 1.

Trần Thái Đình Khương nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản)

ẢNH: NVCC

IELTS 8.0, N1 tiếng Nhật và Hán ngữ quốc tế HSK5

Vào năm 2016, Trần Thái Đình Khương (Trường THPT Long Xuyên, An Giang) đã tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16 và trở thành á quân cuộc thi tuần 3 tháng 3 quý 2. Với thành tích thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia tỉnh An Giang năm học 2015-2016, Đình Khương nhận học bổng Odon và Vallet của tổ chức Rencontres du Vietnam (Pháp) và trúng tuyển ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM. Trong quá trình học tại Trường ĐH Ngoại thương, Khương được nhận học bổng và trở thành đại sứ chương trình Giao lưu văn hóa FUJISAWA của Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Sau 3 năm đầu chương trình ĐH, Khương nhận được học bổng trao đổi học tập tại Trường ĐH Momotama Gakuin (Nhật Bản) và học bổng của Quỹ Yasuhara (Nhật Bản) trao tặng và hoàn thành khóa học với thành tích xuất sắc.

Á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia 2016 thành giảng viên ‘siêu’ 3 ngoại ngữ- Ảnh 2.

Thạc sĩ Trần Thái Đình Khương hiện là giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

ẢNH: NVCC

Kết thúc quá trình học tập tại Trường ĐH Ngoại thương, Đình Khương vinh dự được trao tặng danh hiệu sinh viên tiêu biểu tốt nghiệp xuất sắc cùng thành tích điểm khóa luận tốt nghiệp cao nhất toàn khóa (9,8/10). Năm 2021, Khương tiếp tục nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản theo học chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin (Nhật Bản). Trong quá trình học tại đây, Khương tham gia trợ giảng môn phân tích dữ liệu và trực tiếp giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường ĐH Aomori Chuo Gakuin.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc chương trình ĐH và cao học, Trần Thái Đình Khương đã thử sức tại một số công ty đa quốc gia với vị trí quan hệ công chúng tại các công ty Việt Nam, tư vấn doanh nghiệp tại Thái Lan và tham gia hỗ trợ dự án chuyển đổi số tại Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (trụ sở TP.HCM). Từ tháng 3 năm nay, Khương trở về Việt Nam và chính thức trở thành giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Đáng chú ý, giảng viên trẻ gây ấn tượng mạnh với sinh viên bởi sở hữu 3 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm số cao. Cụ thể gồm: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 8.0, đạt cấp độ N1 – cấp độ cao nhất trong hệ thống thi đánh giá năng lực tiếng Nhật (JLPT) và chứng chỉ Hán ngữ quốc tế HSK5.

Chia sẻ thêm dự định tương lai, Khương cho biết bên cạnh công việc sẽ tìm kiếm học bổng học lên tiến sĩ và tiếp tục thử thách bản thân thông qua việc học một ngoại ngữ mới song song với việc duy trì và phát triển các ngoại ngữ đang sử dụng.

Á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia 2016 thành giảng viên ‘siêu’ 3 ngoại ngữ- Ảnh 3.

Thạc sĩ Trần Thái Đình Khương tham gia các hoạt động cùng sinh viên

ẢNH: NVCC


Hai yếu tố quan trọng để học giỏi ngoại ngữ

Lời khuyên với sinh viên về việc học ngoại ngữ, thạc sĩ Trần Thái Đình Khương cho rằng điều quan trọng đầu tiên là cần đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. "Có rất nhiều lý do để ta bắt đầu học một ngoại ngữ. Đó có thể là phục vụ nhu cầu công việc, chuẩn bị hồ sơ du học, định cư hay đơn giản chỉ vì bạn yêu thích, tò mò, mong muốn tìm hiểu hơn về đất nước, xứ sở, con người nào đó. Trong quá trình học, có những lúc động cơ ban đầu ấy sẽ không còn mãnh liệt như trước. Nhất là khi khối lượng kiến thức ngày một tăng lên, ngữ pháp và từ vựng cũng ngày một nhiều và khó hơn", thạc sĩ Khương nói.

Vậy nên, theo giảng viên trẻ này, thay vì tìm một nguồn động lực ngắn hạn, hãy cụ thể hóa mục tiêu và xây dựng một lộ trình học tập phù hợp. Ví dụ, kế hoạch cho việc học được bao nhiêu từ vựng, nắm được bao nhiêu điểm ngữ pháp, đạt được chứng chỉ gì trong bao nhiêu lâu kể từ khi bắt đầu. Hãy cố gắng chi tiết hóa những việc cần làm theo tháng, theo tuần và theo ngày. "Với những bạn chưa quen việc với việc xây dựng kế hoạch, việc lập một kế hoạch học ngoại ngữ thường sẽ mất khá nhiều thời gian. Song, một kế hoạch chi tiết sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi không phải loay hoay với câu hỏi hôm nay học gì và nhất là giúp có được định hướng trên chặng hành trình nhiều năm này", giảng viên trẻ nói thêm.

Điều quan trọng thứ hai để có thể học tốt ngoại ngữ, theo thạc sĩ Trần Thái Đình Khương, là sự kỷ luật. Theo thạc sĩ Khương thì đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt với các bạn tự học. Có thể khẳng định thời đại của chúng ta là thời đại thuận tiện nhất cho việc học tập và rèn luyện các kỹ năng ngoại ngữ. Bên cạnh rất rất nhiều các học liệu, giáo trình, tài liệu tham khảo chất lượng, chúng ta còn có thể dễ dàng khai thác các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội, giúp việc học ngoại ngữ thú vị và sinh động hơn bao giờ hết.

Á quân cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia 2016 thành giảng viên ‘siêu’ 3 ngoại ngữ- Ảnh 4.

Thạc sĩ Trần Thái Đình Khương đạt điểm cao 3 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

ẢNH: NVCC

"Trường hợp, nếu bạn chưa có khả năng kỷ luật với bản thân, hãy cùng nhau xây dựng/tham gia một cộng đồng nhỏ học ngoại ngữ. Ngoài những kiến thức từ các bạn đồng học, tin mình đi, bạn sẽ có thêm nhiều người bạn rất siêu và nhiều kỷ niệm học tập đáng nhớ", giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói thêm.

Giảng viên sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0 cho rằng: "Cùng với sự nhẫn nại rèn luyện thường xuyên thì việc vận dụng thực tế đóng vai trò quyết định trong việc học tốt ngoại ngữ. Mình nghĩ, ngôn ngữ cũng như một thể sống, nó cũng cần một môi trường để sống và phát triển. Hãy luôn không ngừng trau dồi và kiện toàn vốn ngoại ngữ của bản thân, hãy tạo một môi trường phù hợp để vốn ngoại ngữ của bạn có cơ hội được sử dụng vào cuộc sống thực tế".

"Mình tin rằng xung quanh bạn, có rất rất nhiều người cũng đã, đang, và sẽ bắt đầu học một ngoại ngữ nào đó. Vậy nếu bạn đã có dự định học một ngoại ngữ nào đó, thì đừng chần chờ nữa, hãy bắt đầu", giảng viên trẻ đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.