'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?

Thanh Nam
Thanh Nam
19/10/2024 15:39 GMT+7

Người được khán giả gọi là "á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia" là Nguyễn Nguyễn Thái Bảo, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau 20 năm kể từ trận chung kết, á quân Đường lên đỉnh Olympia lần 5 (năm 2004) ngày ấy bây giờ đã là tiến sĩ, bác sĩ đang công tác ở Khoa Phẫu thuật khớp - Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Huế.

Sở dĩ được gọi là "á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia" vì xuyên suốt cuộc thi, Nguyễn Nguyễn Thái Bảo đã để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả khi thể hiện phong độ thuyết phục, sự bản lĩnh, tự tin, nhạy bén cùng những câu trả lời thông minh, chính xác. Ở chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần 5, anh về nhì với điểm số 210, chỉ kém người giành được vòng nguyệt quế 10 điểm.

PV Thanh Niên vừa có cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Nguyễn Thái Bảo.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 1.

Thái Bảo (ngoài cùng bên phải) là á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2004

ẢNH: NVCC

Về cuộc thi 20 năm trước...

Anh có tiếc không khi về nhì và kém người giành vòng nguyệt quế chỉ 10 điểm?

Đúng là khoảnh khắc đó tôi có hơi tiếc, vì đi thi thì ai cũng muốn đạt được giải. Không chiến thắng thì đương nhiên là cũng tiếc. Nhưng dần dần càng lớn thì khác, tôi hiểu ra đó là trải nghiệm, kỷ niệm của thời học sinh THPT. Tôi nhận ra nếu mình càng phấn đấu thì càng có nhiều mục đích khác lớn hơn, quan trọng hơn, giúp mình tiến bộ nhiều hơn trong cuộc sống sau này.

Anh có còn liên lạc với những thí sinh trong trận chung kết năm đó?

Trong chương trình có nhiều hoạt động bên lề, gặp gỡ, giao lưu… nên 4 thí sinh liên tục tiếp xúc nói chuyện với nhau trước, trong và sau cuộc thi. Thời đó, mỗi người chưa có điện thoại như bây giờ. Chúng tôi thường liên lạc qua Yahoo Messenger, chúng tôi cũng nói chuyện với nhau sau một thời gian. Dần dần sau này mỗi người đều bận công việc trong cuộc sống nên ít liên lạc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn là bạn bè.

Giả dụ ngày đó anh trở thành nhà vô địch, anh sẽ nhận học bổng qua Australia du học, và có khi không có bác sĩ Nguyễn Nguyễn Thái Bảo như hôm nay?

Nếu lúc đó tôi giành chiến thắng thì có thể thay đổi một vài điểm gì đó. Kiểu giống như "hiệu ứng cánh bướm", một sự kiện thay đổi thì dẫn đến hàng loạt thứ thay đổi theo. Tuy nhiên vì từ nhỏ tôi đã có mong muốn sau này trở thành bác sĩ giống ba. Dù học ở đâu thì tôi cũng mong muốn được làm bác sĩ.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 2.

Thái Bảo (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo và Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (thứ 3 từ phải sang)

ẢNH: NVCC

Dưới góc nhìn của anh, Đường lên đỉnh Olympia là chương trình như thế nào?

Với tôi, đây là chương trình truyền hình rất hay và bổ ích dành cho học sinh THPT trên cả nước. Cuộc thi về kiến thức này là cơ hội giúp các học sinh chứng tỏ sự hiểu biết, thể hiện kiến thức không chỉ trong sách giáo khoa mà thể hiện những kiến thức sâu rộng, bao quát hơn về nhiều lĩnh vực. Đường lên đỉnh Olympia đã được duy trì 24 năm và luôn tạo được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả. Đó là điều không phải dễ dàng và không phải chương trình nào cũng làm được.

Nhưng có ý kiến gọi Đường lên đỉnh Olympia là "Đường lên đỉnh Australia", cho rằng chương trình là nơi tuyển chọn nhân tài cho Australia, sẽ khiến "chảy máu chất xám"… Anh nhìn nhận thế nào về quan điểm này?

Theo tôi không phải vậy. Nếu như Australia muốn tuyển chọn nhân tài thì sẽ có rất nhiều cách thức khác nhau, chứ không phải chỉ tổ một cuộc thi rồi cuối cùng chọn ra một năm chỉ một người. Cũng không nên làm phức tạp lên vấn đề bằng cách nghĩ sẽ khiến "chảy máu chất xám". Hiểu đơn giản, tôi chỉ nghĩ Đường lên đỉnh Olympia là một sân chơi cho các bạn học sinh THPT.

Vậy anh nghĩ sao về ý kiến của nhiều người cho rằng: "Nếu vô địch Đường lên đỉnh Olympia sẽ có tất cả, còn á quân hay hạng ba thì không có gì cả"?

Nếu vô địch, giành vòng nguyệt quế thì đó là kỷ niệm rất đẹp của thời học sinh THPT. Một thành tích có thể giúp người vô địch được nhiều thứ trong cuộc sống. Nhưng không phải chỉ người vô địch mới có. Rất nhiều anh, chị, bạn, em khác dù từng thi Đường lên đỉnh Olympia hay không, dù với thứ hạng nào thì họ cũng đã và đang có những thành công nhất định.

Hiển nhiên cũng không thể phủ nhận là nếu vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì sẽ có được cơ hội, nếu nắm bắt và tận dụng được thì sẽ giúp tạo nhiều ưu thế nhất định. Có thể kể như được ra nước ngoài học tập, được tiếp thu kiến thức ở nền giáo dục nước ngoài, được mở rộng về tầm nhìn, kinh nghiệm, sự giao tiếp, bản thân được trải nghiệm những điều mới mẻ… Tất cả đều là cơ hội. Nhưng mỗi người tận dụng như thế nào cho hết cơ hội, tận dụng tốt cơ hội hay không… thì đó lại là vấn đề khác.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 3.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Nguyễn Thái Bảo

ẢNH: NVCC

Có quan điểm cho rằng, những nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia là những nhân tài của đất nước. Anh có đồng tình?

Theo tôi, ai tham gia Đường lên đỉnh Olympia thì đều là nhân tài. Bên cạnh đó, Việt Nam chúng ta cũng còn nhiều những nhân tài nữa, chứ không phải riêng những nhà vô địch. Học sinh bây giờ rất giỏi, rất toàn diện, nhiều bạn có thành tích học tập rất xuất sắc.

Cũng có quan điểm cho rằng thí sinh Đường lên đỉnh Olympia là "gà chọi", chỉ biết học thuộc lòng kiến thức sách giáo khoa. Anh sẽ nói gì với họ?

Tôi không nghĩ thế. Ngoài chương trình sách giáo khoa thì có nhiều câu hỏi ở ngoài thực tế cuộc sống. Tôi tiếp xúc nhiều bạn thí sinh, thấy họ nhanh nhẹn, giỏi, toàn diện. Có những bạn rất giỏi, cực kỳ giỏi. Họ có kiến thức thức rộng, kỹ và sâu ở nhiều lĩnh vực.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 4.

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Bảo (ngoài cùng bên phải) tham gia một ca phẫu thuật cùng thầy tại Bệnh viện Trung ương Huế

ẢNH: NVCC

Nếu tôi là Võ Quang Phú Đức…

Mỗi khi theo dõi chương trình Đường lên đỉnh Olympia, anh có thử làm thí sinh không?

Có chứ, tôi cũng hay trả lời những câu hỏi. Nhưng nói thật là có những câu hỏi tôi thậm chí chưa hiểu đang hỏi gì mà các thí sinh đã có câu trả lời rồi. Phải công nhận là các bạn giỏi.

Từ trước đến nay, anh có ấn tượng với thí sinh hoặc nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia nào không?

Tôi ấn tượng cũng nhiều. Vì sự thể hiện kiến thức một cách xuất sắc, có những đặc điểm khiến mình cảm thấy hay. Chẳng hạn như ở chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024, tôi thích hai bạn Nguyễn Nguyên Phú (học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) và Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Cả hai đã có những sự cạnh tranh sòng phẳng, đồng thời thể hiện được những điểm mạnh của bản thân trong những thời điểm nhất định.

Với tư cách là khán giả, cũng là một đồng môn của Võ Quang Phú Đức, anh nhận xét gì về nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024?

Võ Quang Phú Đức rất nhanh nhẹn, nhạy bén, bình tĩnh. Tôi từng thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia nên hiểu, khi thi trong chương trình được truyền hình trực tiếp như thế, với đông đảo khán giả xem trực tiếp lẫn qua truyền hình thì rất áp lực. Không dễ để giữ được bình tĩnh. Nhưng tôi đánh giá cao Võ Quang Phú Đức khi bạn ấy có thể giữ được mạch suy nghĩ trong áp lực như vậy. Ngoài việc bình tĩnh trước áp lực, bạn ấy còn có thể nghĩ ra được chiến thuật thi để có thể đạt kết quả tốt nhất cho bản thân.

Anh vừa nhắc đến chiến thuật thi "bấm chuông để giành chiến thắng" của Võ Quang Phú Đức. Đây cũng là màn bấm chuông vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Đặt trường hợp anh là Võ Quang Phú Đức thì anh có bấm chuông chiến thuật như bạn ấy?

Nếu tôi là Võ Quang Phú Đức, tôi nghĩ tôi cũng sẽ bấm. Quan trọng là điều này không vi phạm luật chơi của chương trình.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 5.

Thái Bảo chụp ảnh cùng thầy giáo dạy Nội soi khớp - Y học thể thao ở Hoa Kỳ

ẢNH: NVCC

Để thành công trong cuộc sống…

Là một cựu thí sinh cũng như là khán giả trung thành của Đường lên đỉnh Olympia, anh kỳ vọng gì từ chương trình này trong thời gian tới?

Tôi nghĩ Đường lên đỉnh Olympia đã kéo dài 24 năm, ê kíp chương trình đã làm rất tốt với nhiều kinh nghiệm. Tôi hy vọng chương trình sẽ ngày càng tốt hơn nữa để tạo một sân chơi cho các bạn học sinh THPT thể hiện mình.

Nhiều học sinh THPT ấp ủ niềm mong ước được thi Đường lên đỉnh Olympia, anh nhắn nhủ gì với các bạn?

Đây là sân chơi rất tốt để có thể chứng minh được kiến thức, phong thái của bản thân. Tuy nhiên nếu không có cơ hội thi Đường lên đỉnh Olympia hoặc không thể giành những chiến thắng trong chương trình này thì vẫn còn có vô vàn cơ hội khác đang chờ phía trước, còn nhiều mục tiêu có thể chinh phục để thành công.

'Á quân gây tiếc nuối nhất Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy, bây giờ ra sao?- Ảnh 6.

Với anh Bảo, thành tựu khiến anh hạnh phúc nhất trong cuộc sống là có một gia đình, vợ hiền, con ngoan, có công việc tốt, đạt được nhiều mục tiêu mà anh từng mong muốn

ẢNH: NVCC

Từ kinh nghiệm của mình, theo anh để thành công trong cuộc sống, người trẻ cần làm gì?

Cuộc sống liên tục biến đổi và đi lên từng ngày, theo tôi để thành công cần có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Cần kiên định với những mục tiêu để phấn đấu, đạt được. Không nên nản chí, sao nhãng trước mục tiêu của bản thân. Và cần nâng cấp, hoàn thiện bản thân theo từng ngày.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Sau khi trở thành á quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2004, Nguyễn Nguyễn Thái Bảo đoạt giải nhì học sinh giỏi hóa toàn quốc, được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y dược Huế. Thời sinh viên, anh từng giành ngôi vô địch cuộc thi Rung chuông vàng, đồng thời được giữ lại làm giảng viên của Trường ĐH Y dược Huế.

Sau đó anh nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản làm nghiên cứu sinh 4 năm tại khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Trường ĐH Y khoa Hamamatsu. Anh mất 2,5 năm để hoàn thành chương trình tiến sĩ, 1,5 năm còn lại, anh xin tham gia các ca mổ khó cùng những chuyên gia đầu ngành, tham gia làm thành viên các đề tài của các giáo sư để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận những kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật chuyên ngành. Hoàn thành xong chương trình nghiên cứu sinh, anh về nước làm việc. Hiện tại, anh đang công tác tại khoa Phẫu thuật khớp – Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.