Theo Bloomberg, sau khi để nền kinh tế tăng trưởng dựa vào dầu thô trong hơn nửa thập niên, Ả Rập Xê Út đang chuyển sang nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào khác để vượt qua thời đại dầu mỏ. Đó là sa mạc. Quốc gia Ả Rập đang biến hàng ngàn km vuông ngập trong cát thành các thành phố mới trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế thoát khỏi dầu thô, tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư.
Chỉ trong tháng trước, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã công bố hai dự án phát triển lớn. Dự án thứ nhất là xây dựng một khu vực lớn hơn nước Bỉ và dự án thứ hai là xây dựng một sân bay, một cảng biển. Đây là hai dự án dẫn đầu kế hoạch xây dựng một loạt thành phố kinh tế mới, các khu vực đặc biệt cho lĩnh vực logistics, du lịch, công nghiệp, tài chính và giải trí.
Chuyên gia kinh tế Monica Malik thuộc Abu Dhabi Commercial Bank cho hay: “Tiến bộ chung của các thành phố kinh tế đã và đang rất chậm, chậm từ trước khi giá dầu lao dốc. Từ thời điểm giá dầu lao dốc, tốc độ phát triển bị điều chỉnh mạnh hơn nữa với nhiều dự án bị hoãn lại”.
Khi kế hoạch “Tầm nhìn Saudi 2030” được công bố vào tháng 4.2016, chính quyền Ả Rập Xê Út cho biết kế hoạch sẽ “giải cứu” và “cải tạo” nhiều dự án thành phố kinh tế trong thập niên qua, các dự án vốn chưa nhìn ra hết tiềm năng của các thành phố này. Dưới đây là một vài dự án lớn của quốc gia dầu thô.
|
Biển Đỏ
Tuần trước, Ả Rập Xê Út công bố kế hoạch biến 50 hòn đảo và 34.000 km2 - vùng lãnh thổ có diện tích lớn hơn nước Bỉ - nằm ở dọc bờ biển Đỏ thành điểm đến du lịch toàn cầu. Nằm giữa thành phố Umluj và Al Wahj, dự án đặt mục tiêu thu hút du khách giàu có từ khắp nơi trên thế giới và sẽ được thực hiện bởi quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund. Hoạt động xây dựng dự kiến khởi công vào năm 2019 và bước đầu hoàn tất năm 2020. Chi phí phát triển dự án chưa được công bố.
Al Faisaliyah
Ả Rập Xê Út cũng công bố chi tiết kế hoạch cho Al Faisaliyah hồi tháng trước. Tọa lạc ở phía tây Mecca, thành phố này sẽ có nhiều nơi ở của cư dân, cơ sở hạ tầng giải trí, sân bay và cảng biển. Dự án trải rộng khắp khu vực 2.450 km vuông, gần bằng diện tích của thủ đô Nga Moscow và được dự kiến hoàn tất vào năm 2050.
Thành phố giải trí
Hồi tháng 4, Ả Rập Xê Út công bố kế hoạch xây dựng thành phố văn hóa, thể thao và giải trí lớn nhất đất nước ở Al Qidiya, phía tây nam thủ đô Riyadh. Dự án có diện tích 334 km2, gồm một khu rừng safari và công viên giải trí chủ đề của Six Flags Entertainment. Quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út là nhà đầu tư chính, sát cánh cùng nhiều nhà đầu tư khác trong nước và quốc tế. Công trình sẽ được khởi công từ năm sau và giai đoạn một được hoàn tất vào năm 2022.
Ngoài ra, chính phủ Ả Rập Xê Út cũng nỗ lực cải tổ nhiều nguyên tắc giải trí trong xã hội cực kỳ bảo thủ. Các buổi hòa nhạc, khiêu vũ và chiếu phim thu hút hàng ngàn người dân trong năm qua. Ả Rập Xê Út đặt mục tiêu kéo chi tiêu cho giải trí của người dân lên 6% vào năm 2030.
tin liên quan
Ả Rập Xê Út hủy nhiều dự án tỉ USD vì giá dầuQuốc gia Trung Đông bị buộc phải hủy nhiều dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD vì giá dầu thấp.
Quận tài chính Vua Abdullah
Quận tài chính Vua Abdullah (KAFD) là câu trả lời của Ả Rập Xê Út đối với Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai. Đây sẽ là nơi hội tụ các ngân hàng, hãng dịch vụ tài chính, kiểm toán, luật và nhiều sàn chứng khoán cũng như cơ quan quản lý thị trường. Dự án tọa lạc ở miền bắc Riyadh có tiến độ thi công chậm trễ từ khi bắt đầu vào năm 2006 và đến nay hoàn tất được hơn 70%. Dù vậy tính đến tháng 4.2016, vẫn chưa hãng tài chính nào đồng ý chuyển về khu vực gồm 73 tòa nhà ở KAFD.
Thành phố Kinh tế Tri thức
Đây là thành phố thông minh đầu tiên của Ả Rập Xê Út, nằm ở Medina, có diện tích 4,8 km2 và tập trung vào sở hữu trí tuệ, các ngành công nghiệp tri thức, y tế, khách sạn, du lịch và đa phương tiện. Nơi này cũng sẽ có nhiều khu căn hộ, khách sạn và cơ sở tổ chức hội nghị. Cư dân thành phố mới có thể đến Mecca và Jeddah thông qua đường sắt cao tốc Haramain.
tin liên quan
Ả Rập Xê Út kỳ vọng kiếm thêm tiền từ dầu mỏẢ Rập Xê Út dự báo nguồn thu dầu thô tăng lên đáng kể năm nay vì giá hiện có xu hướng tích cực sau thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Bình luận (0)