Các lô dầu mỏ chuyển từ Ả Rập Xê Út đến Trung Quốc tăng 36% trong tháng 2 đến mức cao nhất trong vòng ba năm qua. Từ tháng 1 đến nay, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu Ả Rập Xê Út 75%.
Ả Rập Xê Út đang cố gắng tranh giành khách mua hàng lớn nhất của Iran - Ảnh: Shutterstock |
Trung Quốc là khách hàng số một của Iran, quốc gia từ lâu đã có căng thẳng với Ả Rập Xê Út. Doanh thu bán dầu của Ả RẬp Xê Út vẫn đang nóng lên dù nước này vừa kêu gọi các nhà sản xuất toàn cầu đóng băng sản lượng ở mức tháng 1.
Iran gọi thỏa thuận đóng băng hạn ngạch của Ả Rập Xê Út là một trò đùa. Thực tế, Iran đang làm điều ngược lại với các kế hoạch tăng sản xuất sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế.
Giới phân tích cho rằng những lô hàng từ Ả Rập Xê Út đến Trung Quốc là về chuyện chính trị nhiều hơn kinh tế. Ả Rập Xê Út không mấy bận tâm trong việc giúp đỡ Iran trở về thị trường dầu mỏ.
Doanh thu từ dầu thô sắp tới sẽ củng cố vị thế của Iran đi lên như một cường quốc. Khoản tiền này cũng sẽ cung cấp cho Iran dòng chảy tài chính có thể dùng để chống lại cuộc chiến với Ả Rập Xê Út ở Syria, Yemen và những nơi khác.
“Đó là nỗ lực rộng hơn của Ả Rập Xê Út nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ sự hồi sinh của Iran”, chuyên gia phân tích năng lượng Vincent Piazza tại Bloomberg Intelligence nhận định.
Công ty dầu khí quốc doanh Ả Rập Xê Út Saudi Aramco từng cảnh báo rằng họ sẽ không giảm sản lượng “để tạo không gian cho các nhà sản xuất khác” ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos hồi tháng 1. Trong lúc Ả Rập Xê Út tiếp tục bơm nhiều dầu cho khách hàng lớn nhất của Iran, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Iran thành công trong việc đẩy mạnh sản xuất.
Châu Á là thị trường quan trọng cho cả hai nhà sản xuất. Trung Quốc là khách hàng lớn thứ ba của Ả Rập Xê Út, sau Mỹ và Nhật Bản, theo số liệu từ ClipperData. Iran là nhà cung cấp dầu lớn thứ sáu của Đại lục, sau Ả Rập Xê Út, Nga, Angola, Iraq và Oman. Dầu thô từ Ả Rập Xê Út chảy vào các nhà máy lọc dầu nằm dưới sự kiểm soát của hãng năng lượng nhà nước Trung Quốc Sinopec.
CNN cho hay việc theo dõi lượng dầu hai nhà sản xuất bơm đến Trung Quốc trong những tháng tới sẽ khá thú vị. Liệu mức tăng trong tháng 2 chỉ là một điểm sáng hay là nỗ lực thực sự của Ả Rập Xê Út nhằm kiềm chế Iran?
Dù câu trả lời ra sao, câu chuyện trên vẫn gợi nhớ về cảnh chia rẽ hiện tại trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhắc đến khó khăn của việc thực thi thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Bình luận (0)