Ả Rập Xê Út lúng túng trước 'cuộc tổng tấn công' của WikiLeaks

23/06/2015 07:53 GMT+7

(TNO) Chính quyền Ả Rập Xê Út kêu gọi cư dân nhắm mắt làm ngơ trước 61.000 bức điện tín, tài liệu của chính quyền nước này vừa bị WikiLeaks tung ra - một cơ hội hiếm hoi để công chúng nhìn vào những thâm cung bí sử của hoàng gia Ả Rập Xê Út.

(TNO) Chính quyền Ả Rập Xê Út kêu gọi người dân nhắm mắt làm ngơ trước 61.000 bức điện tín, tài liệu của chính quyền nước này vừa bị WikiLeaks tung ra – một cơ hội hiếm hoi để công chúng nhìn vào những thâm cung bí sử trong cách cầm quyền của hoàng gia Ả Rập Xê Út lắm bí mật.

>> Quả bom WikiLeaks ở Trung Đông

WikiLeaks lại làm mưa làm gió với 61.000 bức điện, tài liệu liên quan đến Ả Rập Xê Út
vừa được tung ra - Ảnh: AFP
Đua nhau tìm đọc "bí mật hoàng gia" 
Báo The Guardian (Anh) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út, Osama Nugali cảnh báo công dân “đừng để cho những kẻ thù của nhà nước đạt được mục tiêu của chúng bằng cách trao đổi hoặc đăng tải bất kỳ tài liệu nào”. Ông này cũng tuyên bố rằng nhiều tài liệu trong số ngồn ngộn thông tin mà vừa được WikiLeaks – tổ chức tuyên bố cổ vũ cho sự minh bạch – công bố là “bịa đặt trắng trợn”.
Cho tới nay, chưa thể xác nhận tính xác thực của các tài liệu được công bố, nhưng rõ ràng nó có lý do để gây xôn xao. Không chỉ ở Ả Rập Xê Út mà trên khắp thế giới, các tài liệu được đóng dấu tuyệt mật được tung ra mang lại cho công chúng cơ hội hiếm hoi nhìn vào cách điều hành của chính phủ, đừng nói gì ở một nơi mà hoàng gia nắm quyền hành cực lớn và dường như mọi thứ đều bí mật như ở Ả Rập Xê Út.
Người ta càng có lý do để tò mò khi đối tượng bất ngờ bị “rọi đèn pin” là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất hành tinh và là một trong những đất nước lắm ảnh hưởng nhất trong thế giới Ả Rập.
Lời kêu gọi của chính quyền rõ ràng là khó khả thi.
Thông tin của WikiLeaks cho người ta cơ hội hiếm hoi nhìn vào cách điều hành đất nước
của hoàng gia Ả Rập Xê Út - Ảnh: Reuters
Ngay khi tài liệu được công bố hồi tuần trước, các hãng truyền thông khắp thế giới lao vào một cuộc chạy đua nước rút để xem qua hàng chục ngàn tài liệu kể trên. Đó hẳn là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh hầu hết các tài liệu đều bằng tiếng Ả Rập.
Hoàng gia cũng có... giấy đòi nợ 
Báo The Independent (Anh) nhận định một trong những tiết lộ "nổi bật" nhất trong tài liệu của WikiLeaks không phải là bức điện nội bộ hay tài liệu tuyệt mật nào mà là... một tờ hóa đơn. Người gởi hóa đơn là ông chủ Golden Limousine - công ty xe limousine ở Geneva (Thụy Sĩ), tố cáo một khách hàng đã ra khỏi Thụy Sĩ khi còn nợ ông ta tới 1,5 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 882.000 USD). Tên người đó là Maha Al Ibrahim, vợ của thành viên hoàng gia cấp cao Abdul - Rahman bin Abdulaziz al Saud.
Sau khi thông tin này được tiết lộ, mấy tay nhà báo lập tức tìm mọi cách liên lạc với Louis Roulet, quản lý công ty limousine kể trên. Ông này xác nhận có chuyện này, tuy nhiên cho biết số tiền lớn hơn con số 1,5 triệu franc Thụy Sĩ. Ông cũng bảo rằng những chuyện như thế này xảy thường xuyên ra với các khách hàng giàu có trong thế giới Ả Rập. Chính vì vậy, Roulet bảo ông xem vụ việc trên là "hoàn toàn bình thường". Nhưng may cho Roulet, hóa đơn kể trên cuối cùng đã được thanh toán đầy đủ.
Mỹ từng "tán tỉnh" Iran?
Dẫu trong “mẻ” chào sân đầu tiên (WikiLeaks hứa sẽ công bố đến 500.000 bức điện, tài liệu), chưa có những thông tin nào xứng tầm "gây khó xử” cho vương quốc dầu mỏ như đợt WikiLeaks công bố thông tin mật của các cơ quan ngoại giao Mỹ hồi năm 2010, nhưng nó vẫn có rất nhiều thông tin khiến các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út và những ai "vạ lây" phải bối rối.
Trong lần WikiLeaks “làm khổ” Mỹ năm 2010, chính quyền Ả Rập Xê Út cũng "khổ lây" với tiết lộ vua Ả Rập Xê Út lúc đó là Abdullah đã kêu gọi “cắt đầu con rắn (Iran)” cũng như những bữa nhậu tràn ngập ma túy của các cậu ấm cô chiêu chưa tới tuổi thành niên trong hoàng gia Ả Rập Xê Út.
Tuy nhiên, các trao đổi giữa Bộ Ngoại giao quốc gia lắm dầu mỏ với các đại sứ quán ở nước ngoài, trong đó có các trao đổi gần đây (tháng 4.2015) vẫn gây tò mò khắp thế giới. Dưới đây là những thông tin hứa hẹn "câu" nhiều người xem trong các tài liệu được công bố cho tới giờ này:
- Các quốc gia vùng Vịnh đã chuẩn bị sẵn sàng để chi 10 tỉ USD nhằm đổi lấy sự tự do của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
- Một bức điện tín hồi năm 2012 tiết lộ việc Iran đã nhận được các "thông điệp tán tỉnh của Mỹ" ngụ ý rằng Mỹ không chống lại chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran một khi Iran được bảo lãnh, bao gồm sự bảo lãnh của Nga. Những bức điện tín khác được gửi đi trùng với thời gian này cho thấy Ả Rập Xê Út đã lên kế hoạch tung ra một kênh truyền hình vệ tinh chống lại Iran và cũng định phá các kênh truyền hình của Iran.
Theo các tài liệu được tiết lộ, Iran luôn là mối lo lắng rất lớn của chính quyền Ả Rập Xê Út, vốn luôn bất an về bất kỳ thuận lợi nào của Tehran.
- Liên lạc giữa đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Beirut (Lebanon) với lãnh đạo đảng Lebanese Forces, ông Samir Geagea cho thấy đã có trao đổi tiền mặt để giúp ông này giải quyết các rắc rối tài chính. Geagea là người nhiều lần bảo vệ Ả Rập Xê Út và theo như nội dung các bức điện thì nhân vật này "sẵn sàng làm bất kỳ điều gì vương quốc (Ả Rập Xê Út) yêu cầu ông ta".
Ả Rập Xê Út là đồng minh thân cận của Mỹ. Trong ảnh là cố quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.