Thế giới Ả Rập rúng động trước việc WikiLeaks tung ra hàng trăm ngàn tài liệu mật của chính quyền Ả Rập Xê Út.
Vụ rò rỉ điện tín chấn động sẽ khiến giới chức Riyadh mất ăn mất ngủ - Ảnh: Reuters
|
Trong một thông báo trên website ngày 19.6, tổ chức cổ vũ cho sự minh bạch WikiLeaks cho biết họ sẽ lần lượt công bố hơn nửa triệu tài liệu của chính quyền Ả Rập Xê Út trong vài tuần tới, sau khi đăng tải hơn 60.000 tài liệu, bao gồm nhiều điện tín tuyệt mật.
Theo AP, hiện chưa thể xác nhận tính xác thực của các tài liệu, mặc dù WikiLeaks từng nổi tiếng qua các vụ công bố hàng loạt điện tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Phần lớn các tài liệu được viết bằng tiếng Ả Rập, nhiều bức điện đề “Vương quốc Ả Rập Xê Út” hoặc “Bộ Ngoại giao”, một số được đóng dấu “khẩn” hoặc “mật”. Số khác đến từ các cơ quan trọng yếu như Bộ Nội vụ hoặc Tổng cục Tình báo.
Thâm cung bí sử
Theo AP, nếu xác thực, hồ sơ được đặt tên The Saudi Cables này sẽ cung cấp cái nhìn hiếm hoi về cách thức vận hành của bộ máy bên trong vương quốc giàu dầu mỏ ở Trung Đông. Nó cũng sẽ vén bức màn về mối quan hệ thù địch giữa Ả Rập Xê Út với Iran, sự hỗ trợ đối với quân nổi dậy Syria và chính phủ Ai Cập, cũng như sự phản đối của Riyadh đối với thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran.
Cũng như Washington từng gặp không ít rắc rối ngoại giao với vụ rò rỉ điện tín được mệnh danh “Cablegate”, đợt công bố mới nhất có thể làm chao đảo quan hệ giữa Ả Rập Xê Út với các lân bang và kéo theo dư chấn đối với cả khu vực Trung Đông, vốn đã trở thành lò lửa với nhiều cuộc xung đột đang diễn ra.
“The Saudi Cables cung cấp cái nhìn sâu rộng quan trọng về hoạt động của vương quốc và cách thức nước này quản lý các liên minh và củng cố vị thế như là một siêu cường khu vực ở Trung Đông, kể cả thông qua việc hối lộ và thâu nạp những cá nhân và tổ chức quan trọng. Hồ sơ cũng biểu thị cấu trúc tập quyền cao độ của vương quốc, nơi ngay cả những chuyện nhỏ nhất cũng được xử lý bởi các quan chức cấp cao nhất”, WikiLeaks mô tả.
Theo AP, hồ sơ bao gồm một tài liệu năm 2012, trong đó nhấn mạnh sự bi quan của Ả Rập Xê Út đối với cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran. Bức điện được Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran gửi về Bộ Ngoại giao lưu ý về “những thông điệp ve vãn của Mỹ” được gửi đến Iran thông qua một nhà trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Một bức điện khác, cũng đề năm 2012, gửi từ Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Abu Dhabi tiết lộ UAE đang gây áp lực nặng nề lên chính quyền Ai Cập để Cairo không đưa cựu Tổng thống Hosni Mubarak ra tòa. Chính phủ Ả Rập Xê Út vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ rò rỉ nói trên.
Hiện chưa rõ WikiLeaks lấy tài liệu từ đâu, mặc dù tổ chức này đã đề cập đến vụ tấn công mạng nhằm vào Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út của một nhóm tin tặc tự nhận là Đội quân Yemen ảo vào tháng 5.
3 cách “xử lý” truyền thông
Cùng với việc công bố hồ sơ The Saudi Cables, WikiLeaks còn đăng tải một bài viết tổng hợp từ các tài liệu cáo buộc chính phủ Ả Rập Xê Út vung tiền để lũng đoạn hoạt động đưa tin của tổ chức truyền thông Ả Rập theo hướng có lợi cho Riyadh. “Hầu hết các chính phủ trên thế giới dùng các chiến dịch PR để xua tan các lời chỉ trích và xây dựng quan hệ ở những nơi có tầm ảnh hưởng. Còn Ả Rập Xê Út kiểm soát hình ảnh bằng cách theo dõi truyền thông và mua lòng trung thành ở mọi nơi từ Úc cho đến Canada”.
Theo WikiLeaks, chiến lược lũng đoạn giới truyền thông của Ả Rập Xê Út chủ yếu được thực hiện dưới hai phương thức “vô hiệu hóa” và “chế ngự”. Phản ứng ban đầu trước các tin bài tiêu cực luôn là “vô hiệu hóa”. Các nhà báo và tổ chức bị “vô hiệu hóa” không ca ngợi hoặc bảo vệ Riyadh nhưng sẽ kiềm chế không đăng tải các tin bài phản ánh tiêu cực hoặc chỉ trích chính sách của họ. Cách tiếp cận “chế ngự” được sử dụng khi cần phải triển khai chiến dịch tuyên truyền chủ động hơn. Khi đó, các nhà báo và tổ chức truyền thông không chỉ ca ngợi Ả Rập Xê Út mà còn đả phá bất cứ phía nào dám đăng tải các lời chỉ trích vương quốc hùng mạnh ở vùng Vịnh.
Một trong những cách thức để “vô hiệu hóa” hoặc “chế ngự” là mua hàng trăm hoặc hàng ngàn tờ báo hoặc thuê bao của những đối tượng được nhắm đến. Theo WikiLeaks, một tài liệu rò rỉ đã liệt kê chi tiết các trường hợp cần gia hạn mua báo dài hạn hoặc thuê bao từ ngày 1.1.2010 của hàng chục tổ chức truyền thông ở Damascus (Syria), Abu Dhabi (UAE), Beirut (Li Băng), Kuwait City (Kuwait), Amman (Jordan) và Nouakchott (Mauritania).
Trong một trường hợp, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đã yêu cầu Đại sứ quán ở Cairo tìm cách “thâu nạp” kênh truyền hình tiếng Ả Rập ở Ai Cập ONTV sau khi kênh này mời nhân vật đối lập người Ả Rập Xê Út Saad al-Faqih tham gia một chương trình của họ. Đáp lại, Đại sứ quán ở Cairo cho biết chủ kênh truyền hình là tỉ phú Naguib Sawiris không muốn “chống đối các chính sách của vương quốc” nên đã quở trách giám đốc kênh truyền hình và yêu cầu ông này “không bao giờ được mời al-Faqih nữa”. Nhà tỉ phú thậm chí còn hỏi Đại sứ Ả Rập Xê Út có muốn trở thành một vị khách mời trong chương trình hay không.
Theo WikiLeaks, các ví dụ tương tự xuất hiện đầy rẫy trong The Saudi Cables, một số điện tín liệt kê cụ thể các con số và phương pháp thanh toán. Khi cách tiếp cận “vô hiệu hóa” và “chế ngự” không mang lại hiệu quả, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út sẽ chuyển qua cách đối đầu. Trong một ví dụ, họ từng viện dẫn một chỉ dụ đề ngày 20.1.2010 để đòi hãng vệ tinh ở Arabsat có trụ sở ở Riyadh ngưng cung cấp dịch vụ cho kênh tin tức tiếng Ả Rập Al-Alam của Iran. Sau khi thất bại, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đã tìm cách “làm yếu tín hiệu phát sóng” của kênh này.
Ngoài ra, các tài liệu còn thể hiện sự lo ngại của Riyadh trước làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Trong một điện tín, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cũng quyết định “hỗ trợ tài chính cho các tổ chức truyền thông có ảnh hưởng ở Tunisia”, nơi khai sinh của phong trào Mùa xuân Ả Rập.
Con trai Bin Laden đòi giấy chứng tử cho cha
Theo AFP, các tài liệu được tiết lộ còn bao gồm một bức thư của Đại sứ quán Mỹ ở Riyadh gửi cho Abdullah bin Laden, con trai của Osama bin Laden, trả lời về yêu cầu cấp giấy chứng tử cho thủ lĩnh al-Qaeda, người bị biệt kích Mỹ tiêu diệt ở Pakistan vào tháng 5.2011. Trong bức thư đề ngày 9.9.2011, Đại sứ quán Mỹ cho biết họ không thể đáp ứng yêu cầu trên sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp luật ở Bộ Ngoại giao.
Các tài liệu rò rỉ còn bao gồm cả thông tin hộ chiếu của bà Hillary Clinton, người từng nhiều lần đến thăm Riyadh trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong giai đoạn 2009 - 2013.
|
Bình luận (0)