ACBS dựa vào đâu để cấm cản billiards Việt Nam?

19/09/2024 21:16 GMT+7

Liên đoàn Billiards châu Á (ABCS) ra thông báo cấm VĐV, HLV, trọng tài, quan chức của billiards Việt Nam tham gia thi đấu, điều hành các giải do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 13.6.2024 đến 12.1.2025.

Lý do vì các VĐV tham dự các giải đấu PBA Hanoi Open và Hanoi Open Pool Championship không được Hiệp hội Billiards thế giới (WPA), đơn vị quản lý ACBS cấp phép. Lệnh cấm này căn cứ vào đâu?

Sự vô lý của ACBS và WPA

Thông báo cấm của ACBS viện dẫn lý do PBA Hanoi Open Tour và Hanoi Open Pool Championship không được WPA cấp phép hoàn toàn vô lý. Các điều lệ của WPA và ACBS chỉ có giá trị với các thành viên của mình. WPA và ACBS chỉ có quyền hạn cấp phép giải đấu và áp đặt các quy định xử phạt đối với các tổ chức, liên đoàn thành viên của họ.

PBA Hà Nội Tour và Hanoi Open Pool Championship do Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội tổ chức được Sở VH-TT Hà Nội cấp phép. Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội không phải thành viên của VBSF hay ACBS do vậy tổ chức này cũng như WPA không có căn cứ yêu cầu Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội, hoặc Sở VH-TT Hà Nội xin phép các giải đấu đúng với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành như PBA Hanoi Open Tour hay Hanoi Open Pool.

ACBS dựa vào đâu để cấm cản billiards Việt Nam?- Ảnh 1.

Các VĐV phải được trân trọng

Ví dụ như giải bóng chuyền quân đội mở rộng, tổ chức không phải xin phép Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, hay trong trường hợp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp với CLB Manchester United tổ chức sự kiện tại Việt Nam sau khi được chính quyền cho phép, thì không phải xin phép Liên đoàn Bóng đá châu Á…

ACBS dựa vào cơ sở nào cấm billiards Việt Nam dự giải quốc tế?

Một điều bất hợp lý nữa trong động thái của ACBS đối với billiards Việt Nam. Trong văn bản gửi Liên đoàn Billiards Việt Nam, ACBS cho biết sẽ cấm billiards Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao như AIMAG, SEA Games trong thời gian áp dụng lệnh cấm. Trong trường hợp này, án phạt ACBS áp dụng với các thành viên của mình đúng hay không phải dựa vào căn cứ điều lệ, quy định của giải đó.

ACBS cấm billiards Việt Nam theo điều lệ, quy định nào của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á hay Hội đồng Olympic châu Á (OCA) – tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm về toàn bộ các đại hội của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tại châu Á?

Lệnh cấm của ACBS sẽ khiến các VĐV bị ảnh hưởng rất lớn

Lệnh cấm của ACBS sẽ khiến các VĐV bị ảnh hưởng rất lớn

Cho đến hiện tại, tất cả những gì ACBS thể hiện lệnh cấm mới chỉ bằng email thông báo tới VBSF về thời gian cấm, với lý do vì dự những giải đấu họ không có quyền cấp phép trong lãnh thổ Việt Nam do những đơn vị không phải thành viên của họ tổ chức. Không hề có căn cứ cụ thể nào trong điều lệ, quy định của BTC AIMAG hay SEA Games được ACBS đưa ra khi đề cập đến lệnh cấm.

Trong công văn phản hồi về lệnh cấm của ACBS, Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội từng khẳng định, ACBS không có quyền cấm đội tuyển Việt Nam tham dự các giải thể thao quốc tế thuộc OCA hay SEA Games. Căn cứ các quy định xử phạt của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thể thao như Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hoặc một đại hội khu vực (SEA Games), án phạt VĐV, HLV,... phải được thực hiện trên từng đội, từng cá nhân dựa trên căn cứ cụ thể, không thể xử phạt tất cả VĐV nếu không có căn cứ cụ thể về việc vi phạm.

ACBS cũng không có quyền can thiệp VSBF trong việc cấm hay không các VĐV tham dự giải VĐQG trong nước. Trong trường hợp tham dự giải quốc tế, VBSF có thể không cử VĐV giành giải nhất nếu dính án phạt, thay vào đó có thể cử VĐV giành hạng nhì…

Liên đoàn Billiards carom thế giới (UMB) cũng đưa án cấm tương tự với các VĐV tham dự PBA Hanoi Open Tour, nhưng các VĐV nước ngoài như Hàn Quốc vẫn tham dự giải VĐQG. Hoặc có thể nhìn sang Philippines, ACBS cũng áp đặt lệnh cấm với các VĐV nhưng không thể can thiệp cấm họ đánh giải VĐQG và đội tuyển nước này vẫn tham dự các giải quốc tế.

Billiards Việt Nam vẫn có thể tham dự các giải quốc tế

ACBS tham gia các Đại hội thể thao như Asian Games, AIMAG, SEA Games… trong vai trò điều hành, tổ chức bộ môn nếu có trong chương trình thi đấu.

Theo luật Thể dục Thể thao, VBSF phối hợp với Cục TDTT tuyển chọn, đề xuất danh sách các VĐV tham dự các sự kiện lên Ủy ban Olympic Quốc gia.

Dương Quốc Hoàng và các cơ thủ pool VN bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm của ACBS

Dương Quốc Hoàng và các cơ thủ pool VN bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh cấm của ACBS

Trước thời điểm VBSF thành lập (tháng 3.2022), Ủy ban Olympic Việt Nam trên danh sách tuyển chọn, đề xuất của bộ môn, Phòng thể thao thành tích cao và Cục TDTT sẽ có trách nhiệm đăng ký VĐV tham dự với tư cách thành viên Ủy ban Olympic Việt Nam.

Nói một cách khác, một VĐV Việt Nam có được dự SEA Games hay không cũng có thể do Ủy ban Olympic Việt Nam giới thiệu, và quyền phê chuẩn sẽ do BTC SEA Games quyết định. Tương tự, ở tầm ASIAD hay AIMAG, quyết định sau cùng sẽ thuộc OCA. Còn ở cấp độ thế giới sẽ là IOC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.