AEON Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững

15/10/2024 08:00 GMT+7

Chuyển đổi xanh là xu hướng chung của mọi doanh nghiệp và các nhà bán lẻ cũng tập trung cho việc này, thúc đẩy tiêu dùng xanh. Đây cũng là mục tiêu của AEON Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam đã có những chia sẻ cụ thể liên quan đến hoạt động chuyển đổi xanh của AEON Việt Nam thời gian qua.

AEON Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam

Ảnh: Vương My

Thưa bà, thời gian qua AEON Việt Nam đã thực hiện những hoạt động nào trong chiến lược chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ: Với vai trò một nhà bán lẻ, AEON Việt Nam luôn khuyến khích khách hàng và nhân viên chuyển đổi hành vi cũng như luôn chủ động thay đổi trong vận hành để góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh. Chúng tôi tập trung vào việc giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách tối ưu hóa sử dụng năng lượng, giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải từ thức ăn, đồng thời phát triển các sản phẩm nhãn hàng riêng chất lượng và thân thiện với môi trường. Với vai trò là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng trong các hoạt động mua sắm hằng ngày, AEON Việt Nam cùng khách hàng địa phương luôn nỗ lực giảm rác thải nhựa, từ đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Theo bà, chuyển đổi xanh hướng tới tiêu dùng bền vững sẽ mang lại cho doanh nghiệp những cơ hội như thế nào?

Chuyển đổi xanh hướng tới tiêu dùng bền vững mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội quan trọng, đặc biệt trong việc cải thiện vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đối với vận hành, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả hoạt động thông qua việc tối ưu hóa quy trình. Ví dụ như giảm thời gian thao tác khi khách hàng đổi điểm thưởng, từ đó phục vụ được nhiều khách hàng hơn với độ chính xác cao hơn. Đồng thời, việc áp dụng các giải pháp số và xanh giúp tiết kiệm chi phí dài hạn, chẳng hạn như giảm chi phí in thẻ, túi ni lông và voucher giấy.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh cũng giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi hơn. Các ứng dụng mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian xếp hàng. Các giải pháp như ki ốt chọn món tự động và quầy thanh toán nhanh cũng giúp khách hàng tự thanh toán, sắp xếp hàng hóa theo ý thích, giảm thiểu thời gian chờ đợi.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể tạo sự khác biệt bằng cách xây dựng hình ảnh công dân doanh nghiệp tiêu biểu, tạo lợi thế cạnh tranh và tăng cường lòng tin từ khách hàng, đặc biệt là những người quan tâm đến phát triển bền vững. Đón đầu xu hướng thị trường thông qua chuyển đổi số và xanh giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng hợp tác và phát triển bền vững khi xây dựng mối quan hệ với các đối tác kinh doanh và cơ quan chính quyền, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với khách hàng, chuyển đổi xanh mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian qua mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử an toàn. Họ còn có thể đóng góp vào bảo vệ môi trường thông qua việc chọn mua các sản phẩm xanh, gián tiếp thúc đẩy phát triển bền vững. AEON Việt Nam cam kết chung tay với khách hàng và các bên liên quan để mỗi giao dịch của khách hàng đều trở nên "từng đồng, đều ý nghĩa".

AEON Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững- Ảnh 2.

Khách hàng sử dụng túi ECO

Ảnh: Vương My

Trong quá trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn gì, thưa bà?

Trong quá trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp bán lẻ cũng gặp phải một số khó khăn. Thứ nhất, chi phí đầu tư ban đầu rất cao, do việc chuyển đổi số và xanh đòi hỏi phải đầu tư lớn vào công nghệ, hạ tầng và nhân lực. Điều này dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong ngắn hạn. Từ đó khiến doanh nghiệp gặp thách thức là làm sao cân bằng được chi phí ngắn hạn và dài hạn. Thứ hai, có sự thiếu hụt về kỹ năng và nhân lực chuyên môn. Nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ số và kiến thức về phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên nòng cốt để thúc đẩy các dự án chuyển đổi phù hợp với bản chất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống, khó thích ứng với xu hướng tiêu dùng bền vững. Cuối cùng, thách thức từ chuỗi cung ứng là rất lớn. Các doanh nghiệp bán lẻ cần hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để đảm bảo toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối đều bền vững. Điều này đòi hỏi thời gian và nỗ lực đáng kể từ tất cả các bên trong chuỗi cung ứng để cùng nhau thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bà đánh giá như thế nào về hành vi người tiêu dùng ngày nay trong việc sử dụng các sản phẩm xanh?

Người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về việc sử dụng các sản phẩm xanh và đang lựa chọn các sản phẩm xanh trong giỏ hàng của mình nhiều hơn. Các gia đình hiểu rõ ý nghĩa của việc tiêu dùng sản phẩm xanh đối với sự phát triển bền vững kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận chi trả cao hơn một chút để sử dụng các sản phẩm xanh. Vì bản thân họ nhận thấy giá trị lâu dài mà các sản phẩm này mang lại cho cả cá nhân và xã hội.

AEON Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững- Ảnh 3.

Khách hàng mua sắm tại quầy không sử dụng túi ni lông

Ảnh: Vương My

Các doanh nghiệp bán lẻ cần Nhà nước hỗ trợ như thế nào về mặt chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững?

Các doanh nghiệp nói chung và bán lẻ nói riêng cần Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực nhân lực. Cụ thể, tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, cũng như người lao động. Đồng thời, khuyến khích các trường đại học và cơ sở giáo dục tích hợp các chương trình đào tạo về công nghệ số và phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy, nhằm tạo nền tảng nhân lực vững chắc cho quá trình chuyển đổi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.