Dưới góc độ nào đó, việc thay đổi thời điểm tổ chức giải bóng đá hàng đầu khu vực vừa đem đến một số lợi ích nhưng kèm theo đó là một số nỗi lo.
Lợi thì có lợi…
Lý do mà Ban Thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) lùi AFF Cup từ tháng 4 đến cuối năm sau (5.12.2021 - 1.1.2022) đã được ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), phân tích rất kỹ. Một trong những lý do căn bản nhất là AFF lo ngại sau 4 tháng tới, tình hình dịch bệnh tại khu vực vẫn còn phức tạp nên việc tổ chức AFF Cup theo thể thức sân nhà sân khách rất khó thực hiện. Thế còn vòng loại World Cup 2022 cũng dự định sẽ tái xuất vào tháng 3 thì sao? Ông Tuấn cho hay, nếu thời điểm đó Covid-19 chưa thuyên giảm, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) sẽ tính đến việc cho các đội dự vòng loại World Cup đá tập trung tại một địa điểm. Nghĩa là đội tuyển VN cùng các đối thủ khác của bảng G sẽ di chuyển đến một sân trung lập như cách mà các đội dự AFC Champions League 2020 khu vực Tây Á đang thi đấu tập trung tại Doha (Qatar).
Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, AFF Cup dời lịch sẽ giúp các đội tuyển ở Đông Nam Á tránh được tình trạng quá tải vì chỉ trong một quãng thời gian ngắn, phải thi đấu cùng lúc hai sân chơi quan trọng (tính cả vòng loại World Cup). “Không chỉ Việt Nam mà các đối thủ của chúng ta cũng sẽ có lợi”, ông Tuấn nói. Dưới góc độ nhà quan sát, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng việc AFF Cup dời đến cuối năm 2021, đầu 2022 là điều tích cực cho bóng đá Việt Nam: “Tôi cho rằng đây là tin tốt vì bóng đá Việt Nam sẽ không bị chồng chéo. Theo lịch cũ, AFF Cup sẽ trùng với AFC Champions League và AFC Cup, khiến các CLB Việt Nam như Viettel, Hà Nội FC, Sài Gòn FC rất khó xử. Giờ thì tất cả các CLB có thể tập trung nguồn lực cho đấu trường quốc tế. Còn ở cấp độ đội tuyển, AFF Cup diễn ra vào tháng 12 thì tất cả mọi giải đấu quốc nội và châu lục đã hoàn tất nên các cầu thủ có thể tập trung vào mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch”.
Ông Park sẽ không có thời gian để “thở”
Với người trong cuộc, thầy Park có thể sẽ không rơi vào cảnh “vắt chân lên cổ” vào thời điểm quý 1 và 2/2021. Nhưng, xem xét kỹ toàn bộ lịch hoạt động của năm 2021 mới thấy trong 3 tháng cuối năm ông Park và dàn cộng sự phải cùng lúc dồn sức chuẩn bị cho 2 nhiệm vụ cao nhất: Bảo vệ tấm HCV SEA Games 31 năm 2021 tổ chức trên sân nhà và chức vô địch AFF Cup. Xin được lưu ý: SEA Games 31 vừa kết thúc vỏn vẹn 3 ngày đã đến ngày khởi tranh AFF Cup.
Thầy Park không thể “quẳng gánh lo đi mà vui sống” khi thời điểm cuối năm sau, các đội tuyển do ông dẫn dắt phải chinh chiến ở nhiều mặt trận. Trong trường hợp tuyển Việt Nam thi đấu xuất sắc ở 3 trận còn lại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và giành vé đi sâu hơn thì phải chiến đấu tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 9 - 10.2021. Chưa kể vòng loại giải U.23 châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 10 trên sân nhà, ông Park và đội U.23 Việt Nam cũng được đặt mục tiêu phải có mặt ở vòng chung kết.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Với tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện tại thì dời AFF Cup đến cuối năm 2021, đầu 2022 cũng là phương án hay vì trong trường hợp xấu coi như chúng ta gom 2 giải AFF Cup 2020 và 2022 vào làm một. Tuyển Việt Nam cũng sẽ không phải lo phân sức giữa vòng loại World Cup và AFF Cup. Nhưng ngược lại, HLV Park Hang-seo sẽ phải gánh khối lượng công việc khổng lồ, nhất là từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm sau. Ông Park sẽ phải cáng đáng cả SEA Games lẫn AFF Cup. SEA Games tới diễn ra trên sân nhà nên nhiệm vụ bắt buộc của ông Park là bảo vệ thành công tấm HCV. Lúc đó, ông phải giao cho trợ lý lo khâu chuẩn bị cuối cùng cho tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup. Khối lượng và áp lực công việc khổng lồ sẽ buộc VFF và HLV Park Hang-seo ngồi lại tính toán khoa học để làm sao có kế hoạch chuẩn bị sớm và tốt nhất cho tuyển Việt Nam từ giữa năm đến tháng 10”.
Liệt kê một loạt giải đấu, thì đúng là ông Park không có thời gian để “thở”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu một đấu trường như SEA Games có cần đến sự hiện diện của “dao mổ trâu” mang tên Park Hang-seo? Ông Park có nhất thiết phải ôm đồm nhiệm vụ mà đáng ra những trợ lý như Lee Young-jin hay Kim Han-yoon có thể làm được hay không? Nên nhớ rằng, vòng loại cuối cùng World Cup 2022 mới là mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam năm 2021 (lời của chính thầy Park). Vậy sao ông Park cứ phải nhảy vào “ao làng” để giành vàng?
Hai Long dính chấn thương sụn chêm giống Văn Hậu
Sau Văn Hậu bị chấn thương sụn chêm (không lên tập trung đội tuyển), lại đến lượt một học trò khác của thầy Park cũng dính chấn thương tương tự là tiền vệ sinh năm 2000 Nguyễn Hai Long. Mới hội quân được 2 ngày, cầu thủ đang khoác áo CLB Than Quảng Ninh đã không thể tiếp tục tập luyện và chia tay đội tuyển vào ngày 9.12. Bác sĩ đội tuyển Trần Anh Tuấn cho biết: “Hai Long bị chấn thương ở CLB trước khi lên tuyển. Đây là chấn thương mà CLB rất khó phát hiện vì thiếu phương tiện. Khi cầu thủ tập trung đội tuyển, chúng tôi thông qua kiểm tra, đánh giá, chụp phim mới chẩn đoán Long bị rách sừng sau sụn chêm ngoài gối trái. Trước mắt hướng điều trị sẽ là bảo tồn, tập phục hồi. Sau đó, VFF sẽ kết hợp với CLB của Long tìm ra phương án tốt nhất cho cậu ấy”. Nhiều khả năng, Hai Long sẽ phải phẫu thuật và phải nghỉ khoảng 3 tháng.
Trung Ninh
|
Bình luận (0)