AFP bình chọn Thủ tướng Đức là nhân vật có ảnh hưởng nhất 2015

28/12/2015 19:07 GMT+7

Hãng thông tấn Pháp AFP bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015 do công xử lý khủng hoảng người tị nạn châu Âu và khủng hoảng nợ công Hy Lạp.

Hãng thông tấn Pháp AFP bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015 do công xử lý khủng hoảng người tị nạn châu Âu và khủng hoảng nợ công Hy Lạp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015 - Ảnh: AFPThủ tướng Đức Angela Merkel được bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015 - Ảnh: AFP
Trong danh sách bình chọn top 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin được xếp hạng thứ 2 sau bà Merkel. Ông Putin từng được AFP bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2014.
Dưới đây là top 10 những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2015 theo đánh giá của AFP:
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Merkel đã đưa ra quyết định được cho là tiên phong về việc tiếp nhận khoảng một triệu người tị nạn đến Đức trong cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015. Đây là làn sóng người tị nạn đến châu Âu lớn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần 2, theo AFP.
Đối với những người tị nạn Syria và Afghanistan, bà Merkel được gọi là “Mẹ Merkel”, nhưng một số lãnh đạo châu Âu và thậm chí các quan chức Đức không hoan nghênh quyết định của bà.
Bà Merkel giờ đây được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu” sau khi đưa ra nhiều giải pháp cho những cuộc khủng hoảng của châu Âu, giúp giữ Hy Lạp trong khối eurozone (khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu) và tránh nguy cơ vỡ nợ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP
Theo nhận định của AFP, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin bị các lãnh đạo phương Tây xa lánh và phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nhưng ông Putin vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc giải quyết các vấn đề thế giới năm 2015, nhất là tình hình nội chiến Syria.
Nội chiến Syria kéo dài 4 năm có chuyển biến mới vào cuối tháng 9.2015 khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria nhằm giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis được đánh giá có nhiều ảnh hướng đối với những vấn đề quan trọng trên thế giới, từ tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba cho đến hòa bình ở Colombia. Giáo hoàng Francis còn có chuyến thăm đến Trung Phi đầy bất ổn và tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa Tòa Thánh.
Người dân Paris
Người dân Paris xuống đường biểu tình vào ngày 7.1.2015, thể hiện sự đoàn kết, tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo - Ảnh: AFP
Họ là 1,5 triệu người dân xuống đường biểu tình phản đối khủng bố tại thủ đô Paris, Pháp sau vụ tấn công tòa soạn tuần san trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng 1.2015, khiến 17 người chết.
Paris một lần nữa hứng chịu loạt tấn công ngày 13.11.2015 khiến 130 người chết, nhưng người dân thành phố này vẫn quyết đoàn kết chống khủng bố, theo AFP.
Thủ lĩnh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS)
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong một đoạn video tuyên truyền của IS - Ảnh: Reuters
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, gần như không “hé đầu lộ diện” trong suốt năm 2015, nhưng IS do nhân vật này đứng đầu đã mở rộng chiến dịch tấn công khủng bố từ Syria, Iraq ra nhiều quốc gia trên thế giới, tăng cường hiện diện ở Libya và nhận trách nhiệm vụ máy bay Metrojet (Nga) bị cài bom rơi ở Ai Cập hồi tháng 10.2015, khiến tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng.
Chính trị gia Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước cử tri tại thị trấn Hopong, Myanmar hồi tháng 9.2015 - Ảnh: Reuters
Sau 30 năm đấu tranh đòi dân chủ, bà Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đang đứng trên ngưỡng cửa quyền lực ở Myanmar, sau khi NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar hồi tháng 11.2015.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành tâm điểm báo đài quốc tế khi đưa ra những bình luận gây tranh cãi - Ảnh: Reuters
Mặc dù tỉ phú Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đưa ra nhiều phát ngôn gây tranh cãi, nhưng trong các cuộc khảo sát, nhiều cử tri đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có thể chứng kiến cuộc đối đầu giữa ông Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ-cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khi nhậm chức vào tháng 1.2015 đã tuyên bố giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Vào ngày 13.7.2015, Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ sau khi các lãnh đạo khối eurozone trải qua 17 giờ đàm phán thâu đêm. Các nước EU đồng ý viện trợ thêm cho Hy Lạp trên 80 tỉ euro để tránh bị vỡ nợ và phải ra khỏi khối eurozone, với điều kiện Athens phải có kế hoạch cải tổ sát sao cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu các chủ nợ.
Trước đó, ông Tsipras và ông Yanis Varoufakis, lúc vẫn còn là Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, từng phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của EU, nhưng sau đó đồng ý và thuyết phục được Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu để lấy gói viện trợ 80 tỉ euro.
Cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter
Cựu chủ tịch FIFA, Sepp Blatter - Ảnh: AFP
Cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), ông Sepp Blatter trở thành tâm điểm truyền thống thế giới năm 2015 vì vụ bê bối hối lộ giành quyền tổ chức World Cup. Ông Blatter ngày 2.6 đã tuyên bố từ chức vì vụ bê bối này ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ mới vào ngày 31.5.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bắt tay trước một cuộc họp ở Geneva hồi tháng 1.2015 - Ảnh: Reuters
Với tài ngoại giao cùng tính kiên nhẫn, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trong những cuộc đàm phán cân não ở Geneva và Vienna, đã đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran sau nhiều năm đàm phán thất bại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.