Thủ tướng Đức Angela Merkel được Ban Biên tập tạp chí TIME bình chọn là Nhân vật của năm 2015, còn bạn đọc tạp chí này lại chọn chính trị gia Mỹ Bernie Sanders - ứng viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Ông Bernie Sanders và bà Jane Sanders |
Dù một người đã quá nổi tiếng trên chính trường thế giới và một người chỉ mới nổi lên ở Mỹ nhưng giữa họ có một điểm chung, cũng là một thế mạnh rất lớn: đó là sự hậu thuẫn của người bạn đời... đến sau.
Nói về sự nổi tiếng thì ông Bernie Sanders và vợ Jane Sanders không thể bì kịp với bà Angela Merkel và chồng Joachim Sauer nhưng hãy đợi đến năm 2016, bởi biết đâu gia đình của Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới phải nhường ngôi lại cho nhà Sander. Mọi chuyện đều có thể xảy ra nếu ông Sanders “đánh bại” bà Hilary Clinton để giành được đề cử của đảng Dân chủ Mỹ và giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng trong các cặp vợ chồng này, có một người luôn đứng ngoài ánh sáng sân khấu: đó là ông Sauer - cho dù là năm 2005 vợ ông chính thức trở thành Thủ tướng Đức hay năm 2016 bà kết thúc nhiệm kỳ lần thứ 3.
Người đàn ông bất khả tiếp cận
Ông Sauer khiến truyền thông Đức nổi giận khi không có mặt trong lễ nhậm chức của vợ cuối năm 2005, thay vào đó là ngồi tại trường đại học của ông ở Berlin để theo dõi sự kiện trọng đại này qua màn hình ti vi. Ông chẳng bao giờ mở lời với báo chí và hễ nhận được email xin phỏng vấn ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Cám ơn vì bạn đã quan tâm”. Bà Merkel được gọi là người cô đơn trên chính trường bởi ông Sauer chỉ tháp tùng vợ nếu đó là nghi thức bắt buộc. Bởi vậy mới có sự cố năm 2011 khi bà đến Nhà Trắng nhận huy hiệu Presidential Medal of Freedom: lúc ra khỏi chiếc limousine, bà định bước thẳng tới như mọi khi rồi sực nhớ rằng bà đã “bỏ lại” Sauer đang cố bắt kịp vợ!
Trong khi các đệ nhất phu nhân/phu quân thường đăng đàn phát biểu về các vấn đề bản thân họ quan tâm thì ông Sauer cương quyết nói không và hình ảnh của ông với công chúng có lúc còn thể hiện sự hằn học. Khi đứng trên thảm đỏ cùng vợ tại Liên hoan nhạc opera Bayreuth, ông đã nhìn thẳng vào ống kính máy quay và gầm gừ: “Tôi sẽ không nói bất kỳ điều gì vào micro của các ông”. Thế nên ngay trong năm đầu tiên bà Merkel lên cầm quyền, báo chí đã từ bỏ chuyện “theo đuổi” đệ nhất phu quân mê opera này và đặt cho ông biệt danh “Bóng ma trong nhà hát”.
Với một vỏ bọc khiến báo chí ban đầu tức điên rồi sau lại nể phục vì sự cương quyết nhất quán, ông Sauer trong mắt bạn bè là người “dí dỏm, thâm thúy, vui vẻ và cực kỳ thông minh” - lời của người bạn từng đi bộ khám phá núi Alps với vợ chồng bà Merkel. Người này cho biết “ông Sauer là đối tác lý tưởng của thủ tướng”. Còn một cố vấn thân cận của bà Merkel thì mô tả Sauer “rõ ràng là người điều tiết quan trọng của bà Merkel và là người thẳng thắn nói với bà những gì ông suy nghĩ”.
Trong quá khứ, bà Merkel cho biết những cuộc chuyện trò với chồng là “rất cần thiết” và gọi ông Sauer là “người cho ý kiến rất giỏi”. Hẳn vậy, bởi ông từng xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ ngành hóa học của Đại học Humboldt ở tuổi 25 rồi trở thành giáo sư có tên tuổi trong giới. Bà Merkel từng nói với tạp chí Đức Bunte: “Mỗi người chúng tôi đều có công việc riêng. Tôi không phải là bà nội trợ và ông ấy cũng không phải là ông nội trợ”. Họ giấu kín điểm “giao nhau” của họ suốt từ cái ngày gặp nhau lần đầu năm 1981 khi cả hai đang là người có gia đình. Chồng trước của bà thủ tướng 61 tuổi là bạn học với bà - ngành vật lý, còn vợ trước của đệ nhất phu quân 66 tuổi là một đồng nghiệp ngành hóa học. Cả hai đều kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên năm 1985 và họ sống với nhau cho đến tận năm 1998 mới chịu tổ chức đám cưới trước sức ép từ phía nhà thờ và phía đảng bảo thủ Đức với tên gọi Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo mà bà lãnh đạo từ năm 2000.
Bà Angela Merkel và ông Joachim Sauer
|
Đệ nhất “không rời”
Gia nhập đảng Dân chủ chỉ mới đầu năm nay, ông Bernie Sanders giữ kỷ lục nghị sĩ độc lập có thời gian phục vụ lâu nhất trong lịch sử quốc hội Mỹ. Và chính trị gia 74 tuổi này, trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây, là người lấy được lòng của những người trẻ của đảng Dân chủ. Với khẩu hiệu “cách mạng chính trị”, ông phát động chiến dịch tranh cử tổng thống bên cạnh người phụ nữ 27 năm của mình. Bà không chỉ là vợ mà còn là trợ lý hành chính, là người phát ngôn, là nhà cố vấn chính sách, là chánh văn phòng, người thực hiện các kế hoạch truyền thông… và trên hết là bạn đồng hành của ông. Báo chí Mỹ mô tả: kể từ lúc chiến dịch bắt đầu, họ không rời nhau nửa bước và chỉ đến khi ông chuẩn bị phát biểu thì bà mới chịu lui xuống.
Ngay thời điểm họ gặp nhau năm 1981 đã hé lộ sự tâm đầu ý hợp trong công việc của cả hai người. Trước khi mặt chạm mặt lần đầu tiên vào đêm mừng ông Sanders trở thành thị trưởng thành phố Burlington, bà Jane đã được chọn làm đại diện nhóm hành động vì thanh niên trong chiến dịch tranh cử của ông khi đang là người thuộc đơn vị thanh thiếu niên của Sở Cảnh sát thành phố. “Nếu không làm việc cho ông ấy tôi sẽ chẳng được gặp ông ấy”, bà từng nói. Sau khi đắc cử, ông bổ nhiệm bà phụ trách Văn phòng thanh niên và báo cáo trực tiếp với hội đồng thành phố, chứ không phải thị trưởng. Và trong vai trò mới, bà đã xây dựng được nhiều chương trình mà bà tin rằng sẽ giữ được cái tên Burlington trên bản đồ “những nơi tốt nhất ở Mỹ để gầy dựng gia đình”.
Trong lúc người chồng thăng hoa trong sự nghiệp chính trị khi được bầu vào Hạ viện rồi Thượng viện thì người vợ cũng kịp tạo hình ảnh đẹp của một phụ nữ độc lập với vị trí nổi bật nhất là Hiệu trưởng Trường Burlington College từ năm 2004 đến 2011. Họ bây giờ đã đi chung đường khi cùng chia sẻ văn phòng tranh cử của ông Sanders với mục tiêu huy động được hơn 50 triệu USD. Bản lĩnh lãnh đạo của bà Sanders đã bộc lộ ngay từ nhỏ khi bà kể lại tuổi thơ khó khăn do thiếu thốn tiền bạc. “Mẹ tôi phải thuyết phục nhà trẻ nhận giữ tôi năm tôi 3 tuổi. Khi lên 4, tôi trở thành trợ lý của cô giáo”.
Bình luận (0)