Ai 'ăn dày' trên giá thịt heo?

25/10/2021 04:51 GMT+7

Heo hơi xuống đáy, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao nhất thế giới.

Nghịch lý này đang gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến thu nhập của đa số người dân sụt giảm trầm trọng hiện nay. Cũng như mọi lần, các lý giải, phân tích đều đổ hết cho “khâu trung gian”.

Thế nhưng, “khâu trung gian” cụ thể là khâu nào, chỗ nào... thì không ai chỉ rõ. Bán lẻ đổ lỗi cho chợ sỉ, chợ sỉ đổ cho vận chuyển, vận chuyển “đá bóng” sang lò mổ, lò mổ đẩy trách nhiệm cho thương lái... Mỗi khâu “ăn một tí”, “đẩy một tí” nên heo hơi cứ giảm, người nuôi cứ lỗ, người tiêu dùng cứ phải mua thịt heo với giá đắt chát và cứ giải thích như thế rồi lại hòa cả làng. Chẳng ai để ý rằng, thị trường thịt heo VN thực tế nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn.

Các doanh nghiệp này chiếm thị phần chi phối, nhưng không chỉ chăn nuôi heo, họ còn có lò mổ, có hệ thống phân phối, có đội xe vận chuyển... Thậm chí không ít đơn vị còn sản xuất, phân phối cả thức ăn chăn nuôi. Nghĩa là họ quản lý từ gốc tới ngọn, từ ngọn tới gốc. Vậy các doanh nghiệp này bán thịt heo với giá như thế nào? Có phù hợp với mức giảm của heo hơi hay không? Tại sao không ai kiểm tra? Các siêu thị tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương đang bán giá thịt heo cao nhất thị trường, họ lấy thịt ở đâu? Có mua tận gốc hay không mà lại bán tận ngọn?

Thực ra, chuyện này không có gì mới hay khó hiểu. Còn nhớ đầu năm 2020 khi giá heo hơi bị đẩy lên trời, rất nhiều tiểu thương, hộ bán lẻ đều khẳng định, “họ” nhìn giá các ông lớn niêm yết mỗi ngày để định giá bán của mình. Điều này sau đó cũng được kiểm chứng, khi 15 “ông lớn” cam kết và thực hiện giảm giá, thị trường ngay lập tức hạ nhiệt. Giờ thì “bổn cũ soạn lại”, nghịch lý giá thịt heo lại khiến Chính phủ phải họp khẩn cách đây 3 ngày.

Trong chỉ đạo mới nhất, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính cho bà con nuôi có lượng heo tồn lớn cũng như yêu cầu phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, kiểm tra sự chênh lệch giá bán; rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Chỉ đạo này là cần thiết để trả lại sự minh bạch, sòng phẳng cho thị trường thịt heo, nhưng cần phải rạch ròi và làm triệt để. Chúng ta cứ nói “người nuôi thua lỗ”, nhưng đó chỉ là người chăn nuôi nhỏ, lẻ. Còn các ông lớn kinh doanh heo đã và vẫn đang thắng lớn ngay tại thời điểm hiện tại, cũng như trong suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua. Cứ đến hẹn lại lên, báo cáo tài chính của họ lại được công bố công khai với mức lợi nhuận khủng. Họ liên quan thế nào đến nghịch lý heo hơi xuống đáy, giá thịt lên trời? Họ có thao túng thị trường hay không? Họ có “ăn dày” trên túi tiền của người tiêu dùng ngay trong đại dịch hay không? Các chính sách nhập - không nhập thịt heo ngoại liên quan gì đến họ, họ có được hưởng lợi hay không? Tại sao heo đang tồn hàng triệu con trong chuồng mà đã có thông tin thiếu heo vào tết?

Nếu quản lý đã vào cuộc thì phải làm cho rõ, còn không thì hãy cứ để người tiêu dùng, người đã từng chia sẻ giải cứu khi giá thịt heo xuống đáy cách đây vài năm, sử dụng quyền lực tẩy chay của mình với những kiểu “ăn dày” thế này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.