Lâu ngày rồi, tôi quên mất tên con đường ấy ở TP.Hội An, Quảng Nam. Hình như tên đường ngày xưa là Cường Để, bây giờ là đường Trần Phú thì phải.
Trí nhớ của tôi chỉ còn giữ lại được hướng đi. Từ ngã tư Nguyễn Duy Hiệu - Hoàng Diệu, ta đi về hướng bên hông chợ Hội An. Qua khỏi chợ chừng trăm mét, tới một hội quán của bà con người Hoa. Hội quán này nằm chính giữa ngã ba đường, nhìn thẳng ra sông Hoài. Ngã ba lề đường ấy là “đại bản doanh” của phở Mộng Thu - quán phở bình dân nổi tiếng ở Hội An sau quán chè bà Chỉ mà con dân nghèo Trường Trần Quý Cáp đều biết đến.
tin liên quan
Giải nghiện mắm xứ Quảng ở Hà ThànhVới những ai nghiền món thịt heo chấm mắm xứ Quảng, giờ không cần phải lặn lội đến tận Đà Nẵng mới có dịp thưởng thức, bởi món ăn này đã có mặt rộng rãi tại Hà Nội, với giá cả khá bình dân.
Hai chữ “Mộng Thu” có lẽ nhắc bạn nghĩ đến một mùa thu thơ mộng, du dương, lãng mạn. Vâng, tôi cũng đã từng nghĩ như thế. Không có gì đẹp bằng một mùa thu thơ mộng, êm đềm có lá thu rơi trên dòng sông xanh biếc giữa một thành phố hiền triết như Hội An.
Tuy nhiên, cái tên Mộng Thu do con dân nghèo Trường Trần Quý Cáp ngày xưa đặt cho quán phở ấy bị bà chủ quán… phản đối kịch liệt.
Đứa nào dại dột nói hai chữ Mộng Thu du dương ấy trước mặt bà là bị bà chửi ngay, không chừng còn bị đập chổi chà lên mặt. Bà phản đối cái tên ấy là phải bởi lẽ Mộng Thu là tiếng nói lái của… mụ Thông - tên thật của bà. Nó chẳng có chi là thơ mộng, lãng mạn và cũng không dính dáng gì đến mùa thu cả.
Trong ngôn ngữ dân gian của bà con Quảng Nam, chữ “mụ” mang theo một hàm ý thân mật, đơn giản để chỉ một người phụ nữ lớn tuổi. Hễ ai có chồng thì được gọi là mụ; có con hay không có con vẫn lên chức mụ. Quán của mụ Thông nghèo, không có biển hiệu. Một tay rắn mắt nào đó gọi quán phở của mụ Thông là… Mộng Thu.
Thấy cái tên vừa tức cười mà lại vừa thơ mộng, đông đảo học sinh Trường Trần Quý Cáp cứ theo uyển ngữ ấy mà gọi. Người ta gọi riết thành chết tên. Vậy là phở Mộng Thu từ đó trở thành thương hiệu phở danh tiếng ở Hội An.
Mụ Thông ra quán phở bình dân, dọn hàng ngay mặt đường. Mùa đông và những ngày sau tết lạnh buốt, quán… nghỉ bán vì không có cái gì để chắn gió, che mưa. Vả chăng, quán nhìn thẳng ra bờ sông Hoài mà gió bấc từ sông thổi lên thì lạnh buốt.
Mùa hè, quán bán từ 5 giờ khi nắng tắt tới đêm khuya. Mỗi tô phở ở đây giá một đồng rưỡi, gồm có một mớ cọng bún khô ngâm và trụng trong nước sôi cho mềm ra, cộng với ba lát rưỡi thịt bò và một ít giá trụng.
|
Tôi nói ba lát rưỡi là nói nghiêm chỉnh vì cách chi trên tô phở ấy cũng có một thẻo thịt nhỏ xíu chưa xứng đáng gọi là lát. Mà ba lát rưỡi thịt ấy lại mỏng như lá lúa; đưa lên trước ánh sáng có thể nhìn xuyên thấu qua bên kia. Phở của quán Mộng Thu gần như là phở chay không rau, không dưa, không gia vị nào khác. Khách nào muốn ăn mặn, xin cứ thoải mái nêm nước mắm vào. Còn khát nước thì ráng chịu, khát nước đã có giếng Bá Lễ.
Mụ Thông chỉ bán phở bình dân phục vụ các nhà nho nghèo Trường Trần Quý Cáp. Đứa nào có tiền muốn ăn sang, xin ra quán phở đình Ông Voi, có nhà cửa bàn ghế tử tế, có cả dưa thu đủ nhai nghe rào rạo, dai dai. Phở mụ Thông cóc cần bàn ghế. Nói nào ngay, mụ Thông chỉ có sáu cái ghế đẩu, một cái bàn. Hết. Người khách thứ bảy vào ăn là phải đứng, hoặc ngồi xổm bên vệ đường mà ăn. Mụ Thông cũng chưa bao giờ rảnh rỗi để bảo ai ngồi ghế.
Mụ cương quyết bán phở với khuôn mặt hầm hầm. Lúc nào mụ cũng sẵn sàng sinh sự với khách, không nói chuyện với bất cứ một ai, cũng không cần hỏi khách ăn gì bởi chỉ bán mỗi một món phở tái và chỉ bán với giá ổn định một đồng rưỡi.
Ở đó không có phở một đồng, không có phở hai đồng. Cũng chẳng có ai phụ mụ bưng phở mời khách. Bà làm tất tần tật mọi công việc, từ nấu phở tới dọn bàn, lau bàn, quét nền quán. Làm mà mắt lườm lườm như muốn ăn tươi nuốt sống khách vào ăn phở. Nói đúng hơn, khách vào đây ăn phở còn bà thì “ăn” khách.
Tôi ăn phở Mộng Thu được chục lần; mỗi lần ăn là trong bụng lại cười thầm. Tôi từng dặn mình đừng bao giờ dại dột nói ra hai chữ “Mộng Thu” nhưng hai chữ ấy vẫn ám ảnh trong đầu tôi và cũng vì nghĩ đến hai chữ quái kiệt đó mà tôi buồn cười trong bụng. Mụ Thông dư sức biết trước khi đến ăn, bọn học sinh tinh nghịch bình luận thế nào về hai chữ Mộng Thu. Mụ lườm lườm nhìn khách, chỉ đợi chúng sơ hở nói ra là chửi cho một tràng bằng âm vị Quảng Nam chính cống.
Phở Mộng Thu không ngon cũng không dở. Bảo đó là phở cũng được vì ít ra nó có mấy lát thịt bò tái phía trên mà bảo đó là nước ốc cũng không sai vì nước nó cứ nhàn nhạt sao ấy. Tuy vậy, ba lát rưỡi thịt bò tái nằm cong queo trên mặt tô phở là một cái gì rất hiện thực, hấp dẫn bao tử của những thằng học trò nghèo vô cùng vô tận. Mớ giá để ở phía dưới tô cũng là một cái gì rất hiện thực. Ăn hết bánh phở và thịt, húp hết cái… dung dịch nửa trong nửa đục đó vào bao tử, nhà nho nghèo cũng có thể lưng lửng bụng để thức tới ba giờ khuya học bài thi.
Phở Mộng Thu làm nên “thương hiệu” trong lòng con dân nghèo của Trường Trần Quý Cáp, Hội An. Hồi ấy chúng tôi từ nhà quê qua phố đi học, đứa nào cũng mạt rệp, cũng nghèo xác xơ mướp. Còn các bạn học sinh Trường Diên Hồng thì không bao giờ biết đến thương hiệu phở nghèo nàn, lạc hậu nhưng danh tiếng này. Bởi Trường Diên Hồng là trường tư thục.
Chỉ có con nhà giàu mới có tiền đóng học phí học trường tư thục và do vậy họ dư tiền để đi ăn ngon ở phở đình Ông Voi và chè bà Sỏ cùng nằm trên đường Lê Lợi. Tình hình đó có vẻ rất phân biệt sang hèn; “quán sang” dành cho dân sang trường tư thục, “quán hèn” chỉ dành cho dân nghèo học công lập như chúng tôi.
Được cái phở Mộng Thu ăn không ngon nhưng lành. Chưa nghe ai nói có một thằng học trò nhỏ nào ăn phở Mộng Thu sau đó bị đưa vào nhà thương thí cấp cứu cả. Thời ấy, chế độ ông Diệm còn ra đồng bạc 1 đồng và 5 cắc bằng nhôm pha với antimoine, một mặt có hình bụi trúc, một mặt có hình ba cô gái nên được gọi là đồng bạc ba cô.
Ăn xong tô phở, thò tay vào túi lấy ra hai đồng bạc ấy bỏ xuống trên bàn nghe leng keng vui vui. Mộng Thu trừng thằng học trò nhỏ một cái, đưa tay lấy hai đồng xu thật lẹ, cứ y như là một nhà ảo thuật lành nghề. Khách bước ra khỏi quán, quay lưng đi, có quyền tùy ý cười lớn hay cười nhỏ khi nghĩ lại hai chữ Mộng Thu, miễn là đừng cười trước mặt mụ.
Nói nào ngay, trời sau tết se lạnh như những ngày hôm nay mà có một tô phở dở như phở Mộng Thu tọng vào trong cái bao tử ốm đói và thèm ăn của bất kỳ thằng học trò mới lớn nào là không hề tệ. Vậy nên sáu mươi năm rồi, lòng tôi vẫn thương nhớ phở Mộng Thu.
Bình luận (0)