Hơn chục năm qua, 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngang nhiên bành trướng, xâm lấn ra phía sông Bình Triệu gây bức xúc cho người dân. Đáng nói, nhiều năm qua, Báo Thanh Niên đăng tải nhiều loạt bài phản ánh về việc lấn chiếm cũng như hoạt động bát nháo của bãi xe gây mất an ninh trật tự, cơ quan chức năng hứa sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đến nay bãi xe lấn chiếm sông này vẫn tồn tại khiến người dân không khỏi đặt nghi vấn có sự “bảo kê”.
Sau cưỡng chế lại lấn chiếm
Hành động “coi trời bằng vung” của chủ đất khiến người dân bức xúc khi họ chỉ đổ xô cát trước nhà đã có cán bộ trật tự đô thị đến “hỏi thăm”, trong khi vụ lấn chiếm sông diễn ra công khai như trên mà vẫn “bình chân như vại”.
Theo UBND Q.Bình Thạnh, nhà đất số 397 Đinh Bộ Lĩnh rộng khoảng 1.886 m2 do ông Lê Văn Đây làm chủ. Trong quá trình sử dụng, bà Lê Thị Sơn (con của ông Đây) có hành vi san lấp sông Bình Triệu hơn 1.200 m2 trong giai đoạn năm 2008 - 2013. Dù vậy, mãi đến đầu tháng 1.2014, Q.Bình Thạnh mới tổ chức lực lượng cưỡng chế, múc phần đất lấn chiếm rạch đưa đi nơi khác. Một cán bộ tham gia đợt cưỡng chế trên cho biết, phải mất cả tháng trời, lực lượng chức năng mới múc hết phần đất lấn chiếm. Trong quá trình cưỡng chế, nhiều người trong bãi xe ngăn cản, hù dọa, tấn công lực lượng thi hành công vụ.
|
Thế nhưng quyết định xử phạt và cưỡng chế năm 2014 không ngăn được ý định tái chiếm của người thân chủ khu đất này. Đến tháng 8.2019, khi kiểm tra bản vẽ sơ đồ nhà đất do Công ty TNHH Lam An lập (công ty này được chủ khu đất thuê làm bản vẽ để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận), Phòng TN-MT Q.Bình Thạnh ghi nhận hiện trạng sử dụng đất lớn hơn khuôn viên thể hiện trong bản vẽ. Sau khi đo vẽ trên thực địa, Phòng TN-MT Q.Bình Thạnh xác định, chủ đất đã lấn chiếm lại sông Bình Triệu 797 m2. Trên cơ sở đó, tháng 1.2020, UBND Q.Bình Thạnh ban hành quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục hiện trạng phần đất đã lấn chiếm nhưng chủ đất không thực hiện.
Giữa tháng 3.2020, UBND Q.Bình Thạnh ra quyết định cưỡng chế thì bà Lê Thị Hữu (con ông Đây) khởi kiện quyết định hành chính của UBND Q.Bình Thạnh ra TAND TP.HCM và yêu cầu tòa án tuyên hủy 2 quyết định nêu trên. Tuy nhiên, ngày 25.3.2021, Tòa Hành chính TAND TP.HCM đã đưa vụ kiện ra xét xử và tuyên UBND Q.Bình Thạnh thắng kiện. Trong khi đó, ngày 29.3, PV Thanh Niên trao đổi qua điện thoại với một thành viên trong gia đình chủ khu đất 397 Đinh Bộ Lĩnh về việc sau khi tòa tuyên án, gia đình có động thái gì thì người này cho hay sẽ hội ý với các thành viên còn lại và hẹn trả lời sau.
Còn đối với khu đất 391 Đinh Bộ Lĩnh (người thuê bãi xe 391 Đinh Bộ Lĩnh cho biết, năm 2008, gia đình người này thuê khu đất trên của một Việt kiều - PV), đầu năm 2020, Phòng TN-MT Q.Bình Thạnh kiểm tra thực địa và xác định chủ đất có hành vi lấn chiếm sông Bình Triệu khoảng 500 m2. Khi lập biên bản xử phạt thì chủ đất đề nghị cắm ranh phân định phần đất thuộc sở hữu và phần đất san lấp. Đến nay, Q.Bình Thạnh đã cắm ranh nhưng vẫn chưa múc phần đất lấn chiếm.
Không chỉ lấn chiếm sông, người của bãi xe này còn hành xử manh động đối với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Theo tìm hiểu, cả cán bộ của Q.Bình Thạnh và Thanh tra Sở GTVT từng bị “nhốt” bên trong bãi xe khi kiểm tra hoạt động tổ chức bến xe có dấu hiệu trá hình.
Cơ quan chức năng có thật sự “bó tay”?
Đáng chú ý, dù hành vi san lấp sông tái diễn từ năm 2015 nhưng trong báo cáo của UBND Q.Bình Thạnh về việc xử lý hành vi san lấp sông Bình Triệu của chủ khu đất 397 Đinh Bộ Lĩnh hoàn toàn không đề cập đến các bước xử lý trong giai đoạn 2015 - tháng 8.2019. Điều này đồng nghĩa với việc hành vi lấn chiếm đất sông chỉ được phát hiện khi chủ khu đất 397 Đinh Bộ Lĩnh làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong đó có bản vẽ hiện trạng). Không lẽ việc san lấp sông trái phép diễn ra trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề hay biết (!?). Qua đó, cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo.
|
Nhiều người dân ở khu vực cạnh 2 bãi xe và ở khu chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) cho biết rất bức xúc khi thấy sông Bình Triệu như bị nắn dòng ngay vị trí 2 bãi xe. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trưa 26.3, xe khách loại 45 chỗ đậu kín phần đất lấn chiếm, bánh xe dừng ngay sát mép, phần đuôi xe vươn ra ngoài sông. Bên trong bãi, hoạt động lên xuống hàng hóa diễn ra tấp nập, nhiều hành khách vào đây đón xe khách về các tỉnh miền Trung. Với khoảng 1.300 m2 san lấp trái phép, chủ 2 bãi xe có thể nhận thêm hàng chục chiếc xe khách loại 45 chỗ. Nếu tính theo bảng giá trông giữ xe niêm yết tại bãi xe là 5 triệu đồng/xe khách trên 9 chỗ thì mỗi tháng 2 chủ bãi xe này có thể thu về cả trăm triệu đồng từ hoạt động trông giữ xe.
Tình trạng lấn chiếm đất sông Bình Triệu từng được Báo Thanh Niên phản ánh trên số ra ngày 29.11.2019 với bài viết Lấy đất công viên, lấp sông phân lô bán nền; đến ngày 11.12.2019 tiếp tục đăng bài Lấp sông Bình Triệu làm bến xe cóc. Đáng nói, sau bài viết này, lãnh đạo Q.Bình Thạnh hứa trong tháng 12.2019 sẽ xử lý những vi phạm tại khu đất trên. Ngoài Thanh Niên lên tiếng, có hàng trăm bài báo của các cơ quan báo chí khác phản ánh về tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, lấn chiếm sông mỗi năm; đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương vì sao không thể xử lý các vi phạm của 2 bãi xe này. Thế nhưng trên thực tế, hiện 2 bãi xe này vẫn tiếp tục chiếm dụng phần đất san lấp trái phép làm bãi đậu xe, tổ chức hoạt động như một bến xe trá hình.
Có thể xử lý hình sựTheo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, việc lấn chiếm đất được quy định rõ tại điều 3 Nghị định 91/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó lấn chiếm đất là hành vi chuyển dịch ranh giới đất, biến đất của người khác hoặc đất công thành đất của mình. Đối với hành vi tái chiếm đất, LS Hậu dẫn chứng điều 228 bộ luật Hình sự nêu rõ người nào lấn chiếm đất hoặc sử dụng đất trái phép đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt từ 50 - 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Cấu thành của tội này về khách quan là lấn chiếm đất, về chủ quan là đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. “UBND Q.Bình Thạnh sau khi xử phạt rồi mà chủ đất vẫn tái phạm thì có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về mặt hình sự. Quy định là có, nhưng quan trọng là quận có làm mạnh tay hay không”, luật sư Hậu nhận định.
|
Giải thích về việc chưa cưỡng chế phần đất lấn chiếm sông Bình Triệu, bà Vũ Thị Hội Diễm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, cho biết sẽ tổ chức cưỡng chế trong quý 2/2021. Khi PV đề cập đến ý kiến của luật sư cho rằng có thể xử lý hình sự, bà Diễm cho hay đã nghĩ tới phương án này; sau khi cưỡng chế mà chủ khu đất tiếp tục vi phạm thì sẽ đề xuất chuyển hồ sơ sang công an xem xét khởi tố vụ án hình sự. (còn tiếp)
Bình luận (0)