Đua nhau lấn chiếm bờ sông

16/07/2020 06:53 GMT+7

Trong số các dự án lấn bờ sông Sài Gòn, có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ, nhưng đến nay vẫn không ít chủ đầu tư không thực hiện.

Tại TP.HCM, sông Sài Gòn chảy qua 10 quận, huyện và khu trung tâm TP.HCM từ H.Củ Chi đến Q.7.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cả tuyến sông Sài Gòn từ H.Củ Chi đến Q.7 có khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với khoảng 454 ha đang được phát triển ven sông.
Trong đó, có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Trong số các dự án lấn bờ sông Sài Gòn, có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ, nhưng đến nay vẫn không ít chủ đầu tư không thực hiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, do giá bất động sản có mặt tiền sông thường cao hơn 20 - 30% so với đất bên trong, nên hầu hết các doanh nghiệp đều tìm kiếm các khu đất dọc sông để triển khai dự án và thường chiếm hữu luôn phần đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn khoảng 50 m tính từ mép bờ cao vào trong làm của riêng. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn xây dựng nhà, hồ bơi trên phần đất này để bán, thu về món lợi kếch xù.
UBND TP.HCM đã ban hành 2 quyết định là 150/2004 và 22/2017 về quản lý và sử dụng hành lang ven bờ sông suối, kênh rạch có quy định khá rõ, hành lang bờ sông Sài Gòn là 30 - 50 m, tùy đoạn. Tuy nhiên, thực tế các dự án đã triển khai trước năm 2004 đã chiếm luôn bờ sông để xây biệt thự. Sở dĩ có tình trạng này thì ngoài công tác quản lý đô thị có vấn đề còn có một phần nguyên nhân khác là TP.HCM thiếu một đồ án quy hoạch 2 bên bờ sông.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng TP cần chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn. Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững. Khi giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ, kết hợp với nắn mép bờ cao theo phương thức bù trừ đất đai, để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan. Yêu cầu doanh nghiệp làm đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các dự án cũ trước đây mà chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, TP cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng, không xả thải ra sông rạch. Đối với các quỹ đất sạch ven sông, TP cần đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.