Ai bảo vệ bác sĩ khi “vượt rào” cứu người ?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/08/2019 06:30 GMT+7

Vậy nên, đối với những ca “vượt rào”, rất nhiều cán bộ y tế cần một thứ gì đó cụ thể hơn, như văn bản, quy định để bảo vệ họ.

Gần 2 tuần sau câu chuyện cảm động về ê kíp mổ của Bệnh viện (BV) đa khoa Quảng Trị “bỏ qua” quy trình để cứu sống mẹ con sản phụ Hồ Thị Hình (21 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị) bị sa dây rốn nguy kịch, trong đầu tôi vẫn có câu hỏi lởn vởn:“Ai bảo vệ y bác sĩ (BS) khi họ “vượt rào” cứu người?”.
Đội ngũ y, BS trong kíp mổ cứu mẹ con chị Hình đã dũng cảm thế nào, câu trả lời đã quá rõ bằng “cơn mưa” lời khen, lời chúc của cộng đồng. Nhưng giả sử ca mổ đó không thành công và xảy ra tình huống xấu, câu chuyện sẽ đi về đâu? Khi đó, nếu người nhà phản ứng, kiện BV đã không làm đúng quy trình thì trách nhiệm này ai gánh? Ê kíp mổ phải sống sao trước áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, trước dư luận và cả trước pháp luật...
Trong câu chuyện vượt rào cứu mẹ con sản phụ của kíp mổ BV đa khoa Quảng Trị, có người bình luận rằng, ca mổ đó có thể hơi mạo hiểm nếu so với quy trình của BV, của ngành y nhưng đúng về đạo đức của người thầy thuốc, đúng quy trình của... tình người. Bình luận đó không sai, thậm chí rất thấm, gợi lên những cảm xúc thương yêu, làm thổn thức đến con tim. Nhưng nó chỉ đúng khi “cơm lành canh ngọt”. Chứ khi “hữu sự”, người ta không còn nhắc nhiều về cảm xúc mà chỉ nói về lý trí, lý lẽ và những quy định có trong giấy trắng mực đen.
Vậy nên, đối với những ca “vượt rào”, rất nhiều cán bộ y tế cần một thứ gì đó cụ thể hơn, như văn bản, quy định để bảo vệ họ. Để mỗi khi bước vào phòng mổ, họ chỉ chuyên tâm cứu người thay vì phải lăn tăn về bất kỳ điều gì khác... Đừng để họ, những người đang từng ngày từng giờ níu kéo sinh mệnh của người khác, lại nhận những thiệt thòi về phía mình! Đừng để đến cả việc cứu người mà cũng khiến cho họ thon thót, lưỡng lự, tính toán thiệt hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.