Những cảm giác đó của đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) là dễ hiểu khi trong báo cáo giám sát hơn 120 trang cùng 42 phụ lục lên tới hàng ngàn trang - mà theo nhiều ĐB là “lớn nhất từ trước tới nay”, đoàn giám sát của QH đã chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm qua.
Hàng ngàn dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước; hàng chục ngàn héc ta đất đai trong hàng ngàn dự án bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng hoặc có vướng mắc… được xác định là có thất thoát, lãng phí. Chưa kể, hàng chục ngàn tỉ cũng được xác định thất thoát, lãng phí do hàng loạt hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Song, sau những cảm giác “xót xa”, “ngậm ngùi”, nhiều ĐBQH cũng cho rằng vấn đề cuối cùng vẫn là phải làm gì trước những hạn chế, bất cập đã được báo cáo giám sát của QH chỉ ra. Bởi một lẽ rằng, những thất thoát, lãng phí không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra từ rất lâu và không chỉ đoàn giám sát hay các ĐBQH mới nhận thấy. Hàng trăm công trình, dự án đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng bỏ hoang không chỉ trong 5 năm vừa qua.
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh QH, khi nêu ý kiến tại phiên giám sát đã nói rằng, dù báo cáo kết quả giám sát đã nêu hẳn một danh mục các dự án, công trình thất thoát, lãng phí để yêu cầu xử lý, song cá nhân ông “vẫn thấy thiếu một điều gì đó”. Điều còn thiếu là “trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân đã để xảy ra tình trạng rất là bi đát như thế này”.
Theo ông An, tình trạng lãng phí đã xảy ra một thời gian dài và chuyên đề giám sát tối cao của QH về vấn đề này “giống như liều kháng sinh cực mạnh, đặc trị để chúng ta xử lý dứt điểm”. Để xử lý được dứt điểm, cần phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, tổ chức nào, cá nhân nào. Từ đó, ông An đề nghị báo cáo kết quả giám sát của QH cần được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra, kiểm tra, kể cả cơ quan điều tra để xác định “rành rọt” trách nhiệm và xử lý mới đảm bảo hiệu quả.
Xử lý rốt ráo trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với những hạn chế, bất cập, những dự án, công trình có thất thoát, lãng phí đã được chỉ ra cũng là ý kiến được nhiều ĐBQH yêu cầu tại phiên giám sát.
Tuy nhiên, đúng như ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) khái quát, khi cái tiêu cực, cái yếu kém, cái trì trệ… trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra cái tiêu cực, cái yếu kém, cái trì trệ. Lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành bộ máy ấy. Và để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó. Vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy.
Bình luận (0)