Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét xử về 3 tội danh: "tham ô tài sản", "đưa hối lộ" và "tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc dù không nắm chức vụ gì tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB), song với việc nắm giữ hơn 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng này.
Ai đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan 'hô biến' SCB thành công cụ tài chính?
Để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ họa động của Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt như Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát với mức lương lên tới 500 triệu/tháng cùng nhiều "phúc lợi" khác như thưởng tiền, cổ phần SCB.
Một số cá nhân thân tín được bị cáo Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quyền có thể kể đến như nhóm bị cáo là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB như bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng cùng một số bị cáo khác như bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (là cựu Tổng giám đốc SCB), bị cáo Nguyễn Phương Hồng, bị cáo Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh.
Các bị cáo này dưới sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhiều người khác tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các Công ty Thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Đáng chú ý, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của mình.
Cáo trạng nêu, từ ngày 3 đến ngày 24.6.2022, 3 đơn vị cho vay này đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay với tổng dư nợ là hơn 212.000 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 185.000 tỉ đồng, chiếm hơn 38% dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan.
Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Vụ án Trương Mỹ Lan: Ông Nguyễn Cao Trí được dìu lên bục khai báo
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB thực hiện việc phân bổ các khoản vay của bị cáo này ở 4 chi nhánh chính là chi nhánh Sài Gòn, chi nhánh Cống Quỳnh, chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, chi nhánh Bến Thành, sang một số chi nhánh khác như chi nhánh Đông Sài Gòn, chi nhánh Củ Chi và chi nhánh Tân Định để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng.
Bị xét xử cùng bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 84 bị cáo, bao gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB); 15 cựu cán bộ Ngân hàng nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: :"tham ô tài sản", "nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng".
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (là Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", khi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Lan 1.000 tỉ đồng.
Dự kiến, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát sẽ kéo dài đến ngày 29.4.2024.
Xem nhanh 12h ngày 5.3: Bà Trương Mỹ Lan khai gì | Tai nạn thảm khốc ở Tuyên Quang
Bình luận (0)