SCB phải phối hợp cơ quan thi hành án dân sự để xử lý tài sản
Ngày 3.12, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 673.000 tỉ đồng. Theo quy định pháp luật, bị cáo Lan không đủ điều kiện được miễn giảm án phí dân sự đối với số tiền 673 tỉ đồng.
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan nói tự nguyện đề nghị xử lý 440 mã tài sản, dùng các tài sản như dự án 6A... để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Thế nhưng các tài sản bị cáo đưa vào chưa rõ về quy định pháp lý và mức định giá nên chưa đủ điều kiện để xét mức độ khắc phục hậu quả là bao nhiêu.
"Tuy nhiên, sau khi bản án kết luận nếu bị cáo vẫn tích cực phối hợp, tiếp tục nộp tài sản khắc phục đủ 3/4 hậu quả vụ án thì có thể xem xét giảm từ án tử hình xuống chung thân", bản án nêu.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền gửi đơn xin ân xá giảm án tử hình lên Chủ tịch nước.
Tòa giao cho SCB phối hợp cơ quan thi hành án dân sự để tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.120 mã tài sản đang bị thế chấp cho ngân hàng này để đảm bảo cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng… Về xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho các khoản vay này, được thực hiện dưới sự giám sát của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Tòa đề nghị SCB trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, thì sau khi xử lý xong các khoản nợ được đảm bảo bằng các tài sản tương ứng, thì phần giá trị còn lại (nếu có) cần phối hợp với Bộ công an để xác định tài sản nào thuộc quyền sở hữu của bị cáo Lan, thì dùng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn trong vụ án.
3 doanh nghiệp phải trả gần 10.000 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Thứ nhất, TAND cấp cao tại TP.HCM buộc Công ty Quốc CP Cường Gia Lai hoàn trả lại 2.880 tỉ đồng để đảm bảo thi hành cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo tòa sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng Công ty CP đầu tư Sunny Island (Công ty Sunny) ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá 14.800 tỉ đồng, và đã thanh toán 2.880 tỉ đồng để Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khởi kiện Công ty Sunny ra trọng tài thương mại về việc không thanh toán tiền đúng thời hạn ghi trong hợp đồng hứa mua hứa bán năm 2017.
Theo đó, năm 2023, Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam ban hành phán quyết tuyên bố Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chấm dứt hợp đồng hứa mua, hứa bán nêu trên là đúng quy định theo hợp đồng và quy định của pháp luật, không tuyên Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thanh toán tiền cho Công ty Sunny. Tuy nhiên phán quyết này đã bị TAND TP.HCM hủy.
Thứ hai, TAND cấp cao tại TP.HCM buộc Công ty CP T&H Hạ Long (gọi tắt Công ty T&H Hạ Long) và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (gọi tắt Công ty Âu Lạc) có nghĩa vụ nộp lại hơn 6.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Tòa tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ của 2 Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc gồm: tổng số cổ phiếu chiếm hơn 70% cổ phần vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long, 3 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty T&H Hạ Long và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.
Trong kháng cáo, Công ty T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc đề nghị tòa tách biệt nghĩa vụ hoàn trả của từng công ty. Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, cả 2 công ty cùng nhận hơn 6.000 tỉ đồng từ bị cáo Lan nên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án và quyền lợi các bên, tòa không chấp nhận kháng cáo, buộc cả hai công ty cùng thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn này.
Bình luận (0)