AI không cứu được Apple ở 'thị trường khốc liệt nhất thế giới'

12/09/2024 14:49 GMT+7

AI (trí tuệ nhân tạo) được xem là động lực quan trọng thúc đẩy người mua iPhone 16 nhưng tính năng này vẫn chưa sẵn sàng tại Trung Quốc - một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 5, CEO Tim Cook thừa nhận Trung Quốc là "thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất thế giới", khi doanh số bán hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cook cho biết hãng đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại Trung Quốc, nhưng ông lạc quan rằng iPhone 16 với sự xuất hiện của AI sẽ giúp Apple lấy lại thị phần đã mất.

Tuy nhiên trong sự kiện It's Glowtime ra mắt iPhone 16 hôm 9.9, Apple cho thấy "vũ khí" quan trọng của họ chưa sẵn sàng. Tính năng được mong chờ nhất trên iPhone 16 là Apple Intelligence tiếp tục trễ hẹn. Người dùng phải chờ đến tháng 12 mới có thể bắt đầu trải nghiệm. Tuy nhiên chỉ một số thị trường nói tiếng Anh được ưu tiên sớm, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác có thể phải chờ đến năm 2025.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tính năng AI mới của Apple có thể sớm phục vụ người dùng thị trường tỉ dân hay không. Trên trang web Apple Trung Quốc, tính năng này không được đề cập nhiều trong các phần giới thiệu iPhone 16. Hãng lưu ý ngày ra mắt Apple Intelligence còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đang thắt chặt việc kiểm soát các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Bắc Kinh yêu cầu các mô hình và ứng dụng AI phải được đăng ký với cơ quan quản lý trước khi đến tay người dùng. OpenAI, công ty phát triển ChatGPT - đối tác AI của Apple - đã bị cấm tại Trung Quốc từ đầu năm nay.

AI không cứu được Apple ở 'thị trường khốc liệt nhất thế giới'- Ảnh 1.

CEO Apple Tim Cook cầm iPhone 16 Pro Max tại sự kiện It's Glowtime

ẢNH: BLOOMBERG

Nhà phân tích Ben Wood tại công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, nói với Nikkei Asia: "Apple Intelligence sẽ là vũ khí quan trọng của iPhone 16. Tuy nhiên tính năng này sẽ rất hạn chế và khó tiếp cận người dùng ở những thị trường tiềm năng, trong đó có Trung Quốc. Việc bản địa hóa các chức năng AI mới của Apple tại thị trường tỉ dân sẽ là thách thức lớn".

Wood cho biết thêm, ở giai đoạn hiện tại, rất khó để biết liệu cách tiếp cận AI dựa trên đám mây của Apple bằng giải pháp Private Cloud Compute có được chính quyền Trung Quốc chấp nhận hay không.

Các nhà phân tích nhận định thay vì dùng GPT của OpenAI hoặc Gemini của Google, Apple có thể sẽ phải sử dụng một mô hình ngôn ngữ lớn tại Trung Quốc, nếu muốn được chính phủ chấp nhận. Trước đó Samsung đã chọn hợp tác cùng Baidu để đem Galaxy AI đến với người dùng nơi đây.

Dữ liệu từ Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc cho thấy đến nay, cơ quan quản lý đã phê duyệt cho 188 mô hình ngôn ngữ lớn được khai thác trong nước. Tuy nhiên không có mô hình nào trong đó được phát hành bởi công ty nước ngoài.

Lucas Zhong, nhà phân tích tại Canalys, cho rằng việc Apple chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến các thỏa thuận hợp tác sẽ khiến hãng mất điểm khi các đối thủ đều đã sẵn sàng cho các tính năng AI.

Sau màn ra mắt iPhone 16, mạng xã hội Trung Quốc đang dấy lên câu hỏi liệu lời hứa triển khai AI tại Trung Quốc của Apple có sớm thành hiện thực hay không? Phần lớn người dùng tỏ ra thất vọng khi Apple Intelligence chưa sẵn sàng cho thị trường Trung Quốc. "Tính năng quan trọng nhất không có, Apple nên giảm giá một nửa cho iPhone 16 không?", một người dùng Weibo viết. Người dùng khác cho rằng iPhone 16 không có Apple Intelligence thì như "chim bị cắt mất đôi cánh", hãng sẽ không có cơ hội để cạnh tranh với các đối thủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.