"Nhân tố bí ẩn" Lê Thái Sâm và "cú chốt" tăng vốn 30.000 tỉ đồng
Sáng 9.5, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường tại Hà Nội. Khác với lần ĐHĐCĐ bất thường lần 1 diễn ra vào ngày 10.4, lần này, toàn bộ các nội dung và tờ trình của HĐQT, các phương án đề xuất đều được các cổ đông "chốt hạ" khá nhanh chóng.
Đặc biệt, với tỷ lệ đồng thuận lên tới hơn 99% khi bỏ phiếu biểu quyết, đại hội đã thông qua được phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Bamboo Airways sẽ phát hành 1,15 tỉ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỉ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Tre Việt sẽ đạt mức 30.000 tỉ đồng.
Điểm đáng chú ý tại ĐHĐCĐ lần 2 chính là vai trò của ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways.
Xem nhanh 20h ngày 9.5: Đại gia mua cổ phần Bamboo Airways
Trước khi ĐHCĐ bất thường diễn ra, ngày 8.5, HĐQT của FLC đã ra nghị quyết công bố việc thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bamboo Airways mà FLC đang nắm giữ cho ông Lê Thái Sâm (FLC nắm giữ 400 triệu cổ phiếu của Bamboo Airways, tương ứng 21,7% vốn điều lệ).
Cùng với 231,74 triệu cổ phần đang nắm giữ (tương đương 12,53% vốn điều lệ công ty), ông Sâm trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 631,74 triệu cổ phiếu Bamboo Airways (tương ứng 34,23% vốn điều lệ).
Ngoài ông Sâm, tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi: Ai đang là cổ đông lớn của Bamboo Airways và ai là cổ đông sáng lập hãng bay này? Đây là câu hỏi mà lâu nay dư luận đặc biệt quan tâm và chưa được sáng tỏ kể từ khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị dính vào vòng lao lý.
Tuy nhiên, đoàn chủ tịch đại hội, đặc biệt là ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways đã trả lời khá thẳng thắn. Ông Trọng cho biết, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông sáng lập duy nhất của hãng hàng không này. Hai người tiếp theo có vai trò quan trọng đồng hành những ngày đầu thành lập Bamboo Airways chính là bản thân ông Trọng và bà Vũ Đặng Hải Yến (Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC). "Cổ đông sáng lập duy nhất chỉ có ông Quyết, còn bản thân tôi hay bà Yến đều là làm công ăn lương", ông Trọng nhấn mạnh.
Về cơ cấu cổ đông lớn hiện tại, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết thêm cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 10%; ông Sâm 12,53% (nếu tính cả cổ phần FLC hơn 21,7% chuyển sang là 34,23%); Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) khoảng 10 - 11%; còn lại là các cổ đông khác.
Ông Đặng Tất Thắng không còn liên quan gì đến Bamboo Airways
Một cổ đông khác cũng đặt câu hỏi về vai trò của ông Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch Bamboo Airways, người vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với thương hiệu của hãng bay này. Ông Thắng có phải cổ đông sáng lập và có liên quan gì tới Bamboo Airways?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết sau khi thành lập và đưa Bamboo Airways vào hoạt động, một số cán bộ Tập đoàn FLC, trong đó có ông Đặng Tất Thắng được cử xuống hỗ trợ.
"Chúng ta phải công nhận anh Đặng Tất Thắng lúc đó cũng có vai trò trong những ngày đầu cùng chúng tôi thành lập Bamboo Airways. Anh Thắng cũng như chúng tôi, là những người cán bộ nhân viên làm cho Bamboo, làm cho tập đoàn, được ông chủ là ông Trịnh Văn Quyết phân phó. Đó là vai trò của anh Đặng Tất Thắng. Còn cổ đông duy nhất sáng lập (Bamboo Airways) là ông Trịnh Văn Quyết, hai người tiếp theo đồng hành trong những ngày đầu phôi thai cho đến khi ra đời được Bamboo Airways là tôi và bà Vũ Đặng Hải Yến", ông Trọng khẳng định.
Đối với vai trò của các nhà đầu tư mới, ông Trọng cho biết mong mỏi của HĐQT Bamboo Airways là tìm kiếm được nhà đầu tư có tiềm lực, nhưng quan trọng hơn, là có cùng tầm nhìn đưa Bamboo Airways trở thành thương hiệu hàng không chất lượng của khu vực và quốc tế.
"Trong thời điểm khó khăn nhất cách đây hơn một năm, chúng tôi đã may mắn nhận được sự hỗ trợ từ nhà đầu tư mới, là một nhóm nhà đầu tư được ông Dương Công Minh cố vấn. Có thể nói, nếu không có sự "dấn thân" của nhà đầu tư mới, Bamboo Airways đã phải đối mặt trực diện với bài toán gai góc về sự tồn tại", ông Trọng chia sẻ.
Thông tin thêm về thành công của ĐHĐCĐ đặc biệt là tăng vốn lên 30.000 tỉ đồng, theo ông Trọng, sự kiện này phát đi tín hiệu đáng mừng cho thấy, sau vô vàn khó khăn, Bamboo Airways vẫn đang nhận được sự quan tâm, tin tưởng, và ủng hộ của nhiều cổ đông tâm huyết. Đây cũng là nguồn động lực lớn để HĐQT nỗ lực tối ưu hóa phương án quản lý, sử dụng nguồn vốn mới cho hoạt động của hãng.
"Nguyên tắc cốt lõi trong mọi hoạt động của Bamboo Airways là luôn hướng tới bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đối tác, và nhà đầu tư", ông Trọng nói.
Quý 1/2023, doanh thu vượt 53% kế hoạch, gần đạt điểm hòa vốn
Chúng tôi đã đón nhận nhiều tin vui từ đầu năm tới nay. Với đội bay chỉ 30 tàu bay, doanh thu quý 1/2023 của Bamboo Airways đã vượt 53% so với kế hoạch, đưa hãng gần đạt điểm hòa vốn. Đây là nỗ lực rất đáng tự hào, giữa bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao, cũng như tỷ giá đồng USD biến động, còn thị trường hàng không quốc tế thì chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh.
Về các mục tiêu, trước mắt, trong năm 2023, Bamboo Airways nỗ lực để giảm lỗ về mức tối thiểu, hướng tới tự cân bằng thu chi trong năm 2024, và bắt đầu có lợi nhuận sau đó. Phục vụ cho định hướng này, Bamboo Airways đặt kế hoạch nâng quy mô đội tàu bay lên 100 chiếc vào giai đoạn 2028 - 2030 tùy điều kiện cho phép, cùng với đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư tương ứng. (Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways)
Bình luận (0)