Ai là người đứng đầu trường đại học?

Quý Hiên
Quý Hiên
13/04/2023 06:05 GMT+7

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, luật Giáo dục ĐH bổ sung, sửa đổi đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường ĐH nên không cần phải so sánh ai "to" hơn.

Như Báo Thanh Niên phản ánh, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP (NĐ 99) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (luật 34). Nội dung chủ yếu của dự thảo là tập trung tháo gỡ một số vướng mắc về tổ chức bộ máy của các trường ĐH trong quá trình thực hiện luật. Tuy nhiên, dự thảo lại không đề cập vấn đề vốn gây tranh cãi trong thời gian qua: "Ai là người đứng đầu trường ĐH?".

KHÔNG CẦN SO BÌ AI "TO" HƠN

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), cho rằng luật 34 đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường (HĐT) ĐH, vì thế không cần phải so bì ai "to" hơn.

Thứ trưởng Sơn cho biết trong thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị đưa vào NĐ 99 khái niệm "người đứng đầu", qua đó làm rõ trong trường ĐH thì ai là người đứng đầu. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa thế nào là người đứng đầu, nên dự thảo nghị định sửa đổi NĐ 99 cũng không bổ sung khái niệm này. Hơn nữa, cũng không thể chỉ ra một cách chung chung ai là người đứng đầu một trường ĐH, khi mà quyền lực của trường ĐH được thiết kế theo cơ chế chia sẻ (phân lập), người đứng đầu HĐT (chủ tịch HĐT) khác với người đứng đầu bộ máy điều hành quản lý của nhà trường (hiệu trưởng).

Ai là người đứng đầu trường đại học? - Ảnh 1.

Hiệu trưởng, lãnh đạo các trường ĐH trong phiên họp toàn thể Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TP.HCM tháng 3 năm nay. Luật hiện nay đã quy định rõ quyền lực của hiệu trưởng và chủ tịch Hội đồng trường.

NHẬT THỊNH

"Thực tế là với luật 34 và NĐ 99 thì các vị trí trong trường ĐH vẫn đang thực hiện tốt vai trò của mình. Ông hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của trường ĐH trước pháp luật. Còn chủ tịch HĐT chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của HĐT, qua đó quyết định nhân sự hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. HĐT là cơ quan quản trị, khác với cơ quan quản lý điều hành là ban giám hiệu. HĐT là một tập thể, hoạt động trên bàn nghị sự, chứ không đi xử lý các vụ việc. Khi xảy ra các vụ việc liên quan tới trách nhiệm của HĐT, HĐT sẽ ủy quyền cho hiệu trưởng xử lý", Thứ trưởng Sơn nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định rằng, thực tế hiện nay cho thấy ở nhiều trường ĐH quyền của hiệu trưởng vẫn "cao" hơn quyền của chủ tịch HĐT. Về vấn đề này, Thứ trưởng Sơn chia sẻ: "Không nên so sánh cao thấp, vì không có cùng hệ quy chiếu để so sánh. Trong HĐT thì chủ tịch là người đứng đầu. Theo luật 34, HĐT là cơ quan quyền lực, là cơ quan quyết định nhân sự hiệu trưởng, nhưng quyền lực của HĐT là quyền lực của tập thể chứ không phải quyền lực của cá nhân".

ĐANG TRONG THỜI GIAN CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC

Thứ trưởng Sơn cũng cho rằng nếu nói là HĐT chưa thực hiện rõ vai trò quyền lực của mình thì chưa có căn cứ, vì hiện chưa có đánh giá tổng kết việc thực hiện luật 34. Trước đây, hiệu trưởng thường kiêm bí thư Đảng ủy, vì thế mà hiệu trưởng là người có quyền lực. Giờ thì có sự chuyển giao quyền lực từ hiệu trưởng sang HĐT. Có thể đâu đó có HĐT chưa phát huy vai trò của mình, nhưng điều này dễ hiểu vì thiết chế HĐT là cái mới.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của trường ĐH trước pháp luật. Còn chủ tịch HĐT chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của HĐT, qua đó quyết định nhân sự hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. HĐT là cơ quan quản trị, khác với cơ quan quản lý điều hành là ban giám hiệu.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Trước đây, hiệu trưởng có quyền rất to. Khi có thiết chế HĐT thì mới có sự chuyển giao quyền lực dần dần. Hiện đang là quá trình quá độ, nên việc chuyển giao quyền lực nhanh hay chậm phụ thuộc vào từng nơi. Nếu nơi nào đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, có trình độ thì quá trình chuyển giao này sẽ nhanh. Các thành viên trong HĐT sẽ nhanh chóng nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình. "Từ trước đến nay, chúng ta thường nói tới quyền, nhưng thực chất phải hiểu là quyền đi đôi với trách nhiệm. Có những trường chuyển giao nhanh, đúng với tinh thần luật 34; một số nơi chậm hơn. Nhưng chúng ta tin tưởng là hệ thống quản trị ĐH sớm ổn định, HĐT thực sự là cơ quan giám sát ban giám hiệu", Thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng Sơn khẳng định theo luật 34, HĐT nắm các vấn đề quan trọng: quyết định những nhân sự quan trọng như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; cơ cấu tổ chức; tài chính/tài sản. Theo Nghị quyết T.Ư 19 thì bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐT. Điều này đã tăng sự gắn kết, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động của HĐT trong trường ĐH.

Ai là người đứng đầu trường đại học? - Ảnh 3.

Hiệu trưởng các khối ngành trong phiên họp toàn thể Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TP.HCM tháng 3 năm nay

NHẬT THỊNH


LUẬT 34 VÀ NĐ 99 ĐÃ PHÂN LẬP QUYỀN LỰC

Ông Nguyễn Viết Lộc phân tích muốn dân chủ thì phải phân lập quyền lực, mà điều này thể hiện rất rõ trong luật 34. Trước đây, quyền lực dồn vào hiệu trưởng (đặc biệt khi nhiều nơi hiệu trưởng còn kiêm bí thư Đảng ủy). Nhưng luật 34 đã giúp quyền lực đó được chia sẻ cho tập thể HĐT (chứ không phải cho chủ tịch HĐT, vì chủ tịch HĐT không có quyền lực cá nhân).

Ông Lộc kể: "Tôi vừa dự một cuộc họp HĐT của một trường ĐH ở TP.HCM. Phiên này quan trọng, vì hiệu trưởng phải thông qua HĐT định hướng chiến lược của năm học 2023 - 2024. Về cơ bản chỉ thông qua được 60%. Hiệu trưởng trình bày với HĐT một báo cáo, sau đó cùng với bộ máy giúp việc của mình trả lời các phản biện của HĐT. Ví dụ, hiệu trưởng đề nghị HĐT thông qua việc tuyển sinh 41 ngành, mặc dù theo báo cáo thì trong những năm vừa qua có một số ngành tuyển sinh không hiệu quả. HĐT đã bác bỏ đề nghị này. Hoặc HĐT cũng đã đặt vấn đề, tại sao một số trung tâm hoạt động không hiệu quả, tại sao cần phải tồn tại?... Với những nội dung mà HĐT không đồng ý thông qua, hiệu trưởng sẽ phải làm việc lại với bộ máy của mình để phiên họp sau trình bày lại".

Theo ông Lộc, cơ chế chia sẻ quyền lực với HĐT rất hữu ích với chính hiệu trưởng khi mà hiệu trưởng không đủ tự tin để làm việc với cấp dưới hoặc với các bộ phận chuyên trách trong bộ máy. Có những đề xuất từ dưới đưa lên hiệu trưởng không dám quyết, nhưng nhờ phản biện của HĐT mà hiệu trưởng củng cố căn cứ để trao đổi lại trong bộ máy.

Chia sẻ quyền lực, trách nhiệm giúp hiệu trưởng làm việc tốt hơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn bình luận: "Trong luật 34 ghi rất rõ, HĐT quyết định về phương hướng của nhà trường, ví dụ như phương hướng trong tuyển sinh, trong đào tạo. Có mở mới ngành này hay tiếp tục tuyển sinh ngành kia hay không, thì sẽ do HĐT quyết định. Căn cứ để HĐT đưa ra phương hướng không phải là các yếu tố có tính chuyên môn, mà là nhìn vào hiệu quả. Đơn vị hoạt động không hiệu quả, không làm tốt sứ mạng của nhà trường, không phù hợp với chiến lược của nhà trường thì HĐT không đồng ý. Trên thực tế, cơ chế chia sẻ quyền lực, chia sẻ trách nhiệm đã giúp hiệu trưởng làm việc tốt hơn. Có nhiều điều mới hiệu trưởng mong muốn thực hiện, nhưng nếu tự quyết định thì sẽ dễ thành độc đoán. Nhưng khi đưa ra HĐT thì sẽ nhận được phản biện, sẽ có cơ hội trình bày thấu đáo, từ đó sẽ đạt được sự đồng thuận một cách thuyết phục".

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: "Cơ chế hội đồng rất hay ở chỗ, một cá nhân dù có giỏi đến mấy cũng không thể quyết định đúng đắn mọi việc, nên mới cần có ý kiến từ các thành viên trong hội đồng. Mà cần các ý kiến khác nhau, chứ việc gì cũng đồng thuận hết ngay từ đầu thì cũng cần phải xem lại chất lượng hội đồng. Vì có các ý kiến khác nhau thì hiệu trưởng mới có cơ hội giải thích, giải thích thỏa đáng mới đạt được đồng thuận. Nếu hiệu trưởng thấy những ý kiến khác mà hay thì sẽ tiếp thu, hoặc tiếp thu hay không tiếp thu cũng phải giải trình với HĐT".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.