Ai quyết định mức lương tối thiểu vùng?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
28/04/2024 06:01 GMT+7

Dự kiến từ ngày 1.7, lương tối thiểu vùng tăng 6%. Chính phủ sẽ quyết định về việc xác lập mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, quyết định này sẽ căn cứ dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Vậy thì cơ quan này gồm những ai và có nhiệm vụ gì?

Căn cứ vào điều 49 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, thì Hội đồng Tiền lương quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo quy định tại khoản 2, điều 92 của bộ luật Lao động.

Cơ quan này tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu xác lập theo vùng và chính sách tiền lương áp dụng đối với người lao động theo quy định của bộ luật Lao động.

Người lao động dự kiến được tăng lương, do mức lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng 6% từ ngày 1.7.2024

Người lao động dự kiến được tăng lương, do mức lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng 6% từ ngày 1.7.2024

NHẬT THỊNH - THU NGÂN

Nhiệm vụ của Hội đồng Tiền lương quốc gia

Căn cứ điều 50 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ của Hội đồng Tiền lương quốc gia như sau:

  • Nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.
  • Xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu quy định tại khoản 3 điều 91 bộ luật Lao động 2019.
  • Rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.
  • Hằng năm, tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng.
  • Tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã.

Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm những ai?

Căn cứ vào điều 51 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia có 17 thành viên, bao gồm: 5 thành viên đại diện của Bộ LĐ-TB-XH; 5 thành viên đại diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; 5 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương; 2 thành viên là chuyên gia độc lập. Trong đó:

  • Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia là 1 thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH;
  • 3 Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, gồm: 1 Phó chủ tịch Hội đồng là Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 1 Phó chủ tịch Hội đồng là Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 1 Phó chủ tịch Hội đồng là Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
  • Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia còn lại, gồm: 4 thành viên đại diện của Bộ LĐ-TB-XH; 4 thành viên đại diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; 3 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương (gồm 1 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 2 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở Trung ương có sử dụng nhiều lao động); 2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ LĐ-TB-XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương).
Một buổi họp Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi tháng 12.2023

Một buổi họp Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi tháng 12.2023

T.H

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên khác. Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm kỳ bổ nhiệm thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia không quá 5 năm.

Hội đồng Tiền lương quốc gia có Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực để giúp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng xây dựng các báo cáo kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng và thực hiện công tác hành chính của Hội đồng.

Thành viên Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực là người của các cơ quan tham gia thành viên Hội đồng, các cơ quan, tổ chức có liên quan, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Hội đồng Tiền lương quốc gia ra mắt lần đầu tiên vào ngày 6.8.2013.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.