Nghệ sĩ Kris Kashtanova, làm việc tại New York, đã tạo ra một truyện tranh dài 18 trang có tên "Zarya of the Dawn" với sự trợ giúp của chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) Midjourney.
Kashtanova đã nhận được bản quyền truyện tranh vào tháng 9.2022. Cô tuyên bố trên mạng xã hội rằng điều đó có nghĩa là các nghệ sĩ có quyền được pháp luật bảo vệ cho các dự án nghệ thuật AI của mình.
Tuy nhiên, chuyện này không kéo dài được lâu.
Năm tháng sau, Văn phòng Bản quyền Mỹ bất ngờ đảo ngược chính sách của mình. Văn phòng cho biết những hình ảnh trong "Zarya không phải là sản phẩm của tác giả con người".
Văn phòng đã cho phép Kashtanova giữ bản quyền về cách sắp xếp và cốt truyện.
Sau vụ việc, cô cho biết "Tôi không buồn về quyết định này vì tôi là người thực tế. Đó là một công nghệ rất mới. Mọi người sợ nó".
Khi từ chối bảo vệ pháp lý cho các hình ảnh trong truyện "Zarya", Văn phòng Bản quyền Mỹ đã trích dẫn các phán quyết từ chối bảo vệ pháp lý cho một bức ảnh selfie được chụp bởi một con khỉ tò mò tên là Naruto, cũng như đối với một bài hát mà người đăng ký bản quyền cho biết đã được sáng tác bởi "Chúa Thánh Thần".
Vụ việc đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về việc ai sở hữu tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra và các tác phẩm sáng tạo có cần phải do con người tạo ra hay không.
Các chương trình AI mới như ChatGPT, Midjourney và Stable Diffusion gần đây đã phá kỷ lục về tốc độ tăng trưởng người dùng và dường như sẵn sàng thay đổi biểu hiện của con người.
Nhưng hệ thống luật pháp vẫn chưa xác định được ai là người sở hữu sản phẩm. Đó sẽ là người dùng, hay chủ sở hữu của các ứng dụng? Hoặc cũng có thể là không ai cả.
Các chuyên gia pháp lý cho biết hàng tỉ USD có thể phụ thuộc vào câu trả lời.
Bình luận (0)