Năm học 2023-2024 mới bắt đầu, nhiều thông tin giáo dục đang được phụ huynh quan tâm như sắp thời khóa biểu ở các trường, cấp tiểu học, THCS theo quy tắc gì, đặc biệt là đối với chương trình GDPT 2018; ai là người thường làm việc này trong các nhà trường?
Phần mềm hỗ trợ một phần
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết có các văn bản là cơ sở pháp lý để trường tiểu học xây dựng kế hoạch nhà trường, đặc biệt là thời khóa biểu… Chẳng hạn, Công văn số 4363 của Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn một số hoạt động đầu năm và chuẩn bị vào năm học mới 2023-2024 cấp tiểu học; Công văn số 4457 của Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2023-2024…
Hiệu trưởng này cho biết hiện có các phần mềm hỗ trợ sắp xếp thời khóa biểu. Người dùng sẽ nhập các chỉ số, thông tin cần thiết, phần mềm để xuất ra bảng thời khóa biểu. Tuy nhiên, phần mềm cho ra kết quả không thể tuyệt đối như mong muốn của người dùng. Do đó, người dùng phải chỉnh sửa, cân đối lại thêm.
"Trong trường của tôi, phó hiệu trưởng chuyên môn sẽ đảm trách phần sắp thời khóa biểu cho các lớp trong trường. Sau khi xong dự thảo thời khóa biểu thì sẽ đưa cho tổ giáo viên góp ý. Sau cùng, hiệu trưởng sẽ là người quyết định chính thức. Thời khóa biểu được phổ biến đến tới học sinh và đăng tải công khai trên trang web nhà trường để phụ huynh và mọi người có thể tham khảo. Thời khóa biểu mang tính ổn định cao, áp dụng cho cả năm học. Tuy nhiên, nếu phải điều chỉnh, nhà trường sẽ thông báo đến từng học sinh, phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử, website", hiệu trưởng này cho biết.
Có những tiêu chí gì trong sắp xếp các môn học trong thời khóa biểu không? Cán bộ quản lý này cho hay nhà trường sẽ cố gắng tập trung đưa những môn chính như toán, tiếng Việt… lên buổi sáng để học sinh luôn học trong tâm thế tỉnh táo, nhiều năng lượng nhất. Buổi chiều, nhà trường bố trí các tiết ôn tập, hoạt động trải nghiệm…
"Việc thực hiện thời khóa biểu cần đảm bảo nội dung chương trình GDPT 2018. Tối đa 7 tiết/ngày, các trường có thể chọn sáng 4 tiết và chiều 3 tiết hoặc sáng 5 tiết, chiều 2 tiết. Mỗi tiết học 35 phút, đồng thời giữa các tiết học có khoảng 5 phút chuyển tiếp. Thời gian này các em học sinh được nghỉ giải lao tại chỗ, đi uống nước, vệ sinh, chuẩn bị cho tiết học tiếp theo. Thời gian vào học theo thống nhất của Sở GD-ĐT TP.HCM, sáng có thể bắt đầu tiết 1 lúc 7 giờ 30, buổi chiều bắt đầu từ 14 giờ", hiệu trưởng cho biết.
"Sắp thời khóa biểu khó vô cùng"
Đó là tâm sự của phó hiệu trưởng chuyên môn một trường THCS tại TP.HCM, người sắp thời khóa biểu hơn 10 năm qua. Theo phó hiệu trưởng, mỗi môn học có quy định cụ thể số tiết từng tuần, từng năm học, khung thời gian năm học, giáo viên cũng được phân công phải dạy đủ bao nhiêu tiết mỗi tuần.
Tuy nhiên, đó là những quy định "cứng" phải tuân thủ khi sắp thời khóa biểu. Còn những yêu cầu "mềm" khác, đòi hỏi người sắp xếp thời khóa biểu phải linh hoạt, uyển chuyển. Chẳng hạn, đối với giáo viên hợp đồng bên ngoài, nhà trường phải ưu tiên theo lịch của họ; hay giáo viên nào nhà xa, có con nhỏ, cũng cần ưu tiên hơn, không dạy tiết đầu tiên để không phải đi quá sớm. Hay giáo viên nào đang thiếu tiết dạy, cần dạy bổ sung để đủ số tiết; giáo viên nào nghỉ chiều nào trong tuần để sinh hoạt chuyên môn hay đi học, cũng phải được lưu ý để nhà trường bố trí thời khóa biểu hợp lý…
"Vì nhiều sự ràng buộc như vậy nên khi sắp thời khóa biểu khó có thể giao hết cho phần mềm. Phần mềm là máy móc, không thể như con người người. Máy móc đảm trách được một phần. Sau khi máy móc sắp thời khóa biểu, con người vẫn phải sắp xếp lại bằng tay phần còn lại để cân đối, làm sao cho thật hài hòa, dù trong thực tế thì khó mà có phương án nào là lý tưởng nhất, làm vui lòng tất cả mọi người được", phó hiệu trưởng chuyên môn cho hay.
Cũng theo cán bộ quản lý này, công việc sắp thời khóa biểu rất "đau đầu", mất rất nhiều thời gian. Từ khoảng 1.8, sau khi các giáo viên trở lại trường làm việc sau thời gian nghỉ hè thì các công tác tập huấn chuyên môn, phân công thời khóa biểu, phân công giáo viên, phân công chuyên môn… được diễn ra, thống nhất trong hết hội đồng sư phạm. Sau đó, là công việc của người phó hiệu trưởng chuyên môn sắp thời khóa biểu. Hiệu trưởng là người duyệt thời khóa biểu sau cùng, trước khi phổ biến tới các lớp.
Cán bộ quản lý này cũng thừa nhận, việc sắp thời khóa biểu theo chương trình GDPT 2018 có nhiều cái khó hơn chương trình cũ, có thêm những môn học cần phải phân công giáo viên như giáo dục địa phương - thường được phân công cho các giáo viên đang thiếu tiết dạy theo quy định, hoạt động trải nghiệm (3 tiết mỗi tuần, thường giao cho giáo viên chủ nhiệm)…
Bình luận (0)